Trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm 25/9, bà Baerbock thừa nhận các vấn đề kỹ thuật lớn với việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine, đồng thời thừa nhận rằng nỗ lực cung cấp vũ khí cho Kiev đã bị cản trở do sự chậm trễ.
Bà Baerbock chỉ ra rằng Ukraine sẽ không được hưởng lợi từ những lời hứa cung cấp vũ khí chưa được thực hiện hoặc các chuyến hàng thiết bị quân sự không thể sử dụng được. Bà nói: "Một số hệ thống của chúng tôi thực sự lỗi thời… và ngay từ đầu chúng tôi đã nói rằng một số không hoạt động," bà giải thích rằng điều này là do Đức đã không tham gia một cuộc chiến tranh lớn nào trong nhiều thập kỷ.
Bà nhấn mạnh: "Khi chúng tôi giao thứ gì đó, nó phải hoạt động trên thực địa" và đây là lý do tại sao Đức không cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa Taurus mà bà mô tả là cực kỳ tinh vi.
"Đây là thứ mới nhất [chúng tôi có], vì vậy chúng tôi phải rõ ràng từng chi tiết, nó hoạt động như thế nào, ai thực sự có thể vận hành nó. Đúng, phải mất một thời gian… nhưng khi chúng tôi giao nó, nó phải hoạt động được", bà lưu ý và nói thêm rằng những cân nhắc tương tự cũng áp dụng cho một số vũ khí khác do Đức sản xuất.
Trong nhiều tháng, Ukraine đã yêu cầu tên lửa Taurus có tầm bắn khoảng 500 km và có thể mang đầu đạn nặng 500 kg. Tuy nhiên, bất chấp các phương tiện truyền thông đưa tin rằng Berlin đang đặt nền móng cho các chuyến hàng, Baerbock đã cảnh báo vào đầu tháng này rằng việc giao hàng sẽ không đến trong tương lai gần nhất vì "mọi chi tiết phải được tính toán trước".
Đức cũng miễn cưỡng cung cấp tên lửa vì lo ngại leo thang căng thẳng có thể xảy ra nếu Kiev sử dụng chúng để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Tuần trước, Der Spiegel đưa tin, trích dẫn các nguồn tin, rằng Ukraine đã từ chối tiếp nhận 10 xe tăng Leopard 1 đã lỗi thời vì tình trạng cơ khí kém của chúng. Các quan chức Ukraine được cho là đã nói với người Đức rằng xe thiết giáp đến Ba Lan phải được sửa chữa trước khi triển khai ra tiền tuyến, nhưng không có nhân viên bảo trì cũng như phụ tùng thay thế để làm việc đó.
Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều này sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột mà không làm thay đổi kết quả cuối cùng.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với CNN, bà Annalena Baerbock khẳng định xã hội Đức tiếp tục ủng hộ Ukraine.
Khi được hỏi liệu sự hỗ trợ của Đức dành cho Ukraine có bị chậm lại do khủng hoảng kinh tế hay không, Baerbock trả lời một cách kiên quyết là "không".
Baerbock nói: “Trong những thời điểm này, bạn phải đưa ra quyết định đúng đắn để hỗ trợ Ukraine”, đồng thời cho biết thêm rằng trách nhiệm của giới lãnh đạo chính trị là tìm ra giải pháp và tạo ra các chương trình xã hội để bù đắp những hạn chế về kinh tế.
Đức là nước cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất thế giới cho Ukraine, sau Mỹ. Vào thời điểm Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện, Đức cũng phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng nhập khẩu của Nga.
Hôm 25/9, nhà chức trách Đức công bố ý định cắt giảm một nửa số tiền tài trợ liên bang dành cho các địa phương để giúp người di cư, bao gồm cả người Ukraine, hòa nhập.
Đăng nhận xét