Mỹ gửi đội đặc biệt để 'săn lùng' kẻ thù từ đồng minh NATO bên cạnh Nga

Mỹ gửi đội đặc biệt để 'săn lùng' kẻ thù từ đồng minh NATO bên cạnh Nga - Ảnh 1.

Bên trong căn phòng điều khiển của một nhóm tác chiến mạng của quân đội Mỹ. Ảnh BBC

Trong một tuyên bố, CYBERCOM cho biết, các nhà điều hành thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Mạng Quốc gia (CNMF), cùng với các đối tác từ Bộ Công nghệ Thông tin của Bộ Nội vụ Litva và Phòng Truyền thông đã phối hợp triển khai đợt "chiến dịch săn lùng phòng thủ" lần thứ 2, kể từ tháng 5 năm ngoái.

Tuyên bố cho biết trong suốt quá trình triển khai kéo dài nhiều tháng, "các nhóm đã phân tích các mạng quan trọng, được đối tác xác định và ưu tiên, để tìm bằng chứng về hoạt động mạng độc hại trong khi xác định các lỗ hổng". Một số chi tiết về sứ mệnh đã được công bố.

Người phát ngôn của CNMF từ chối "đi sâu vào chi tiết cụ thể về chiến thuật, kỹ thuật và quy trình", nhưng nói với Newsweek rằng "nhiệm vụ cốt lõi của lực lượng mạng tinh nhuệ là bảo vệ quốc gia trong và thông qua không gian mạng, ngăn chặn, làm gián đoạn và/hoặc tăng chi phí trên những kẻ thù đang cố gắng can thiệp vào quá trình dân chủ của chúng tôi, đánh cắp tài sản trí tuệ của chúng tôi hoặc tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng tôi".

Người phát ngôn của CNMF cho biết: "Các hoạt động phòng thủ tiền phương đang được tiến hành vì các đối thủ thường xuyên thực hiện các hoạt động chống lại các nước láng giềng của họ. Miễn là đối thủ nhắm vào đối tác của chúng tôi và nếu những đối tác đó mời chúng tôi, chúng tôi sẽ đến đó và săn lùng".

Người phát ngôn nói thêm: "Chúng tôi hoạt động cùng nhau trong không gian mạng để học hỏi lẫn nhau và chia sẻ thông tin về các mối đe dọa giúp củng cố/tăng cường an ninh của các mạng mà Mỹ và đồng minh của chúng tôi phụ thuộc vào".

Được thành lập vào năm 2014, CNMF chiếm 1/3 trong bộ ba lực lượng CYBERCOM, bao gồm Lực lượng Đặc nhiệm Chiến đấu Mạng và Lực lượng Bảo vệ Mạng. Theo tuyên bố của CYBERCOM, CNMF "đã triển khai 50 lần và tiến hành các hoạt động săn lùng trên hơn 75 mạng lưới ở hơn 23 quốc gia".

Ngoài Litva, các quốc gia mà CNMF đã triển khai ở Đông Âu bao gồm Albania, Croatia, Estonia, Latvia, Montenegro, Bắc Macedonia và Ukraine, những quốc gia đã cáo buộc Nga thực hiện chiến dịch chiến tranh mạng cùng với cuộc tấn công mạnh mẽ chống lại quốc gia láng giềng.

Trong khi một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ, cáo buộc Nga có các hoạt động xấu trong lĩnh vực kỹ thuật số, thì mối lo ngại về các lỗ hổng tiềm ẩn trong lĩnh vực này đã tăng lên đáng kể kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.

Thứ trưởng Nội vụ Lithuania Arnoldas Abramavičius cho biết trong tuyên bố CYBERCOM: "Chúng ta cần phát triển năng lực và kiên cường hơn trước các cuộc tấn công mạng. Cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy các cuộc tấn công mạng là một công cụ mạnh mẽ của chiến tranh hiện đại, vì vậy việc chuẩn bị và đảm bảo an ninh cho các mạng của chúng ta là vô cùng quan trọng".

Ông nói thêm: "Tôi tin rằng kết quả của sứ mệnh này sẽ mang lại lợi ích chung cho cả hai bên và góp phần tạo ra một khu vực an ninh và dân chủ chung trong khu vực của chúng ta".

Lithuania là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, giáp khu vực bán tách biệt Kaliningrad được quân sự hóa mạnh mẽ của Nga và là nước hỗ trợ nhiệt tình cho Ukraine trong suốt cuộc xung đột. Những lo ngại về an ninh của quốc gia vùng Baltic sau đợt bùng phát tình trạng bất ổn đầu tiên gắn liền với Nga ở Ukraine vào năm 2014 đã dẫn đến việc thành lập một nhóm tác chiến đa quốc gia của NATO ở Litva, cùng với ba nhóm khác ở Estonia, Latvia và Ba Lan.

Chỉ huy Quân đội của CNMF, Thiếu tướng Joe Hartman cũng cân nhắc về các điều kiện xung quanh hoạt động mới nhất, nói rằng "các mối đe dọa mạng hiếm khi xảy ra trong chân không".

"Cuối cùng, những gì tác động đến một quốc gia hoặc mạng lưới có thể tác động đến tất cả chúng ta", Hartman nói trong tuyên bố CYBERCOM, "và đó là lý do tại sao chúng tôi may mắn có được những cơ hội như thế này để sát cánh cùng các đối tác đáng tin cậy ở Lithuania".

Tin tức về hoạt động này xuất hiện chỉ vài ngày sau khi nhà ngoại giao mạng hàng đầu của Moscow nói với Newsweek rằng chính Washington đứng đằng sau xu hướng tấn công leo thang trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).

Artur Lyukmanov, Giám đốc Cục An ninh Thông tin Quốc tế của Bộ Ngoại giao Nga và đại diện đặc biệt của Tổng thống Vladimir Putin về hợp tác quốc tế về an ninh thông tin, cho biết " Mỹ xây dựng năng lực tấn công không gian mạng, tiến hành các hoạt động 'săn lùng' chống lại Nga" và "thuê khách hàng của mình ở nước ngoài".

Lyukmanov đã đề cập cụ thể đến cái gọi là "phòng thí nghiệm mạng" do CYBERCOM thành lập trên khắp các quốc gia NATO ở Đông Âu.

"Chúng tôi muốn ngăn chặn tình trạng suy thoái hơn nữa," Lyukmanov nói vào thời điểm đó. "Một sai lầm trong việc sử dụng CNTT có thể dẫn đến xung đột trực tiếp, một cuộc chiến tranh tổng lực, đặc biệt khi Nhà Trắng nhận thức được rằng Nga có tất cả các khả năng cần thiết để tự vệ. Một cuộc tấn công mạng mang tính tàn phá nhằm vào cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của chúng ta cần phải có đáp trả".

Adblock test (Why?)