Đề nghị Hoa Kỳ hợp tác giảm sự chống đối của các đối tượng thù địch với Việt Nam
Tại cuộc gặp với Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn và đánh giá cao sự ủng hộ mạnh mẽ của Hội đồng An ninh Quốc gia trong việc thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ trong những năm qua, đặc biệt là đóng góp của cá nhân Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan trong việc thu xếp thành công chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joe Biden ngày 10-11/9 vừa rồi và việc hai nước xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ông Sullivan chuyển lời cảm ơn và thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Tổng thống Joe Biden.
Để nhanh chóng triển khai những kết quả quan trọng của chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan hữu quan của hai nước tích cực phối hợp, trao đổi để hoàn thiện khung khổ hợp tác mới, tạo cơ sở để thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mang tính chiến lược, đột phá như khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng xanh, bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh mạng...
Thủ tướng đánh giá cao quan điểm rõ ràng của phía Hoa Kỳ đối với vụ tấn công khủng bố vừa qua tại Tây Nguyên, đề nghị hai bên hợp tác giảm sự chống đối của các đối tượng phản động, thù địch đối với đất nước và nhân dân Việt Nam.
Thủ tướng cũng đề nghị phía Hoa Kỳ ưu tiên thúc đẩy lộ trình công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, không dùng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam, nhất là nông sản vì liên quan đến sinh kế của người nông dân, trên cơ sở bảo đảm cân bằng, bình đẳng, cùng có lợi.
Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam dành cho Tổng thống Biden và đoàn đại biểu cấp cao Hoa Kỳ trong chuyến thăm vừa qua và bày tỏ mong muốn sớm được thăm Việt Nam.
Ông Sullivan bày tỏ cá nhân và nhiều người dân Hoa Kỳ xúc động khi chứng kiến chuyến thăm diễn ra thành công, khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hai nước xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, cho đây là cơ hội để hai nước cùng xây dựng tương lai tốt đẹp.
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ nhất trí với Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc cần thiết hiện thực hóa các nội hàm của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và cho biết sẽ thúc đẩy để Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Đánh giá cao kết quả trao đổi của Thủ tướng Phạm Minh Chính với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, ông Sullivan khẳng định ủng hộ Việt Nam tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ trong các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi năng lượng xanh, hợp tác chống biến đổi khí hậu, giáo dục - đào tạo…, nhằm tiếp tục đưa hợp tác giữa hai nước ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Ông Sullivan cũng hoan nghênh Việt Nam tiếp tục tham gia thảo luận, đàm phán trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Hai bên cũng đã trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện, trách nhiệm với ASEAN nói riêng và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nói chung.
Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN, đánh giá cao vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, APEC, Liên hợp quốc.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Hoa Kỳ hợp tác với Việt Nam để tăng tính tự cường của chuỗi cung ứng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen để trao đổi về hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế - tài chính và những vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính Hoa Kỳ tiếp tục dành nguồn lực để thúc đẩy quan hệ kinh tế - tài chính giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; Hoa Kỳ sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam; hai nước tăng cường đối thoại và hợp tác trong các lĩnh vực chung lợi ích như hạ tầng và dịch vụ tài chính, đào tạo nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vay nợ và viện trợ, thuế quan, thị trường vốn và chứng khoán; phía Hoa Kỳ hạn chế các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng dệt may, da giầy, đồ gỗ và đặc biệt là nông sản, nguồn sống của nông dân Việt Nam.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen chia sẻ đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về ý nghĩa đặc biệt của chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, cho rằng việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện phản ánh những bước tiến ngoạn mục trong quan hệ hai nước, tăng cường sự hiểu biết, lòng tin, thể hiện cam kết của Hoa Kỳ trong việc mở ra những cơ hội mới trong hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Bộ trưởng Yellen cảm ơn các cơ quan Chính phủ Việt Nam đã tích cực, chủ động làm việc với Bộ Tài chính Hoa Kỳ trong các nội dung về chính sách thương mại, tiền tệ và ngoại hối; ghi nhận nỗ lực của Việt Nam thời gian qua trong việc giải quyết các lo ngại của Hoa Kỳ liên quan đến những lĩnh vực trên.
Bộ trưởng khẳng định kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995, Hoa Kỳ và Việt Nam luôn là những đối tác kinh tế - thương mại quan trọng của nhau và Việt Nam là đối tác chủ chốt trong triển khai chính sách khu vực của Hoa Kỳ và hiện Hoa Kỳ hợp tác với Việt Nam để tăng cường tính tự cường của chuỗi cung ứng khu vực và Việt Nam có tiềm năng trong chuỗi cung ứng về bán dẫn.
Liên quan đến hợp tác tầm khu vực, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gắn kết chặt chẽ với quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hoa Kỳ dành thêm nguồn lực, tài chính để hỗ trợ các nước tiểu vùng Mê Công thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Hai bên cùng điểm lại những ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - tài chính quốc tế, trong đó có việc giảm thiểu rủi ro toàn cầu, phòng ngừa khủng hoảng tài chính, thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19 và phát triển kinh tế xanh, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung.
Đăng nhận xét