Lợi bất cập hại khi Ukraine dùng bom, đạn chùm tấn công lực lượng Nga

Lợi bất cập hại khi Ukraine dùng bom, đạn chùm tấn công lực lượng Nga - Ảnh 1.

Ukraine được cho là sẽ hứng nhiều thiệt hại hơn lợi ích khi sử dụng bom, đạn chùm. Ảnh IT

Theo National Interest, các lực lượng Ukraine gần đây đang tiến về phía thành phố cảng trọng điểm Mariupol như một phần của cuộc phản công đang diễn ra nhằm vào các vị trí của Nga, đánh dấu bước tiến đáng kể của họ trong 2 tuần gần đây. Một trong những thành công dẫn đến điều này là việc giải phóng làng Urozhain ở vùng Donetsk, được Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar công bố vào ngày 16/8. Ukraine được cho là đã giải phóng ngôi làng nhờ sử dụng bom chùm gây tranh cãi do Mỹ cung cấp.

Tuy nhiên, với những tác động lâu dài đã được biết đến của bom chùm, việc đưa những loại vũ khí như vậy vào cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể gây ra hậu quả tai hại cho dân thường. Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng số đạn được gửi tới Ukraine có tỷ lệ không nổ chỉ dưới 2,35%. Song điều quan trọng cần lưu ý là các đánh giá đến từ các thí nghiệm trong môi trường được kiểm soát rất khác so với những đánh giá thực tế trong điều kiện chiến đấu. Hơn nữa, mặc dù Lầu Năm Góc nhận được sự đảm bảo bằng văn bản từ Kiev về việc sử dụng bom chùm có tính toán để phá vỡ các vị trí phòng thủ của Nga chỉ ở các khu vực phi đô thị, vẫn có báo cáo cho biết Ukraine đang sử dụng chúng trong các cuộc tấn công vào các ngôi làng của Nga ở vùng Belgorod. Với việc các đơn vị pháo binh của Ukraine được cấp những vũ khí này trong kho, nguy cơ sử dụng sai hoặc trái phép loại vũ khí nguy hiểm này có nguy cơ tiếp tục kéo dài, National Interest cảnh báo.

Tuy nhiên, ngay cả trước khi Mỹ cung cấp bom chùm mới nhất cho Ukraine, các nhóm nhân quyền như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã cáo buộc, cả Nga và Ukraine đều từng sử dụng loại vũ khí này trong cuộc xung đột.

Một báo cáo của HRW cho rằng, cả hai bên đã sử dụng bom chùm ở thành phố Izium và khu vực lân cận vào năm 2022, trong khi thành phố này vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga, gây ra cái chết và thương tích nghiêm trọng cho dân thường.

“Các loại bom, đạn chùm được Nga và Ukraine sử dụng đang giết hại dân thường và sẽ tiếp tục như vậy trong nhiều năm. Cả hai bên nên ngừng sử dụng chúng ngay lập tức và không cố gắng có thêm những loại vũ khí bừa bãi này”, quyền giám đốc vũ khí của HRW Mary Wareham nói. Tuy nhiên, cả hai bên tham chiến ở Ukraine vẫn tiếp tục đổ lỗi cho bên kia về cách sử dụng vũ khí này đồng thời phủ nhận hành vi của mình.

Từ quan điểm quân sự, bom chùm có thể được coi là có tiện ích rất lớn. Lý do chính Mỹ và Ukraine đưa ra cho việc cung cấp và sử dụng loại vũ khí chết người này là vì mạng lưới chiến hào kiên cố của Nga đang đã tiếp tục làm chậm cuộc phản công của Ukraine. Mỹ đã cung cấp hơn 2 triệu viên đạn chùm 155mm truyền thống cho Ukraine - một lựa chọn lý tưởng để Ukraine tấn công các mục tiêu của Nga từ xa. Việc sử dụng bom, đạn chùm cũng là một lựa chọn hấp dẫn để bắn trúng nhiều mục tiêu hơn với ít đạn phải sử dụng hơn.

Tuy nhiên, tác động lâu dài của những loại vũ khí này đã thúc đẩy các nỗ lực quốc tế để cấm sử dụng, tàng trữ, sản xuất hoặc chuyển giao chúng, theo Công ước về Bom, đạn chùm. Có tổng cộng 123 quốc gia đã tham gia công ước, với 111 quốc gia thành viên và 12 bên ký kết. Tuy nhiên, hầu hết các nước lớn, trong đó có Mỹ, Nga, Ukraine, vẫn nằm ngoài phạm vi của nó.

Cả Nga và Ukraine đều cần phải ngừng sử dụng bom chùm trong cuộc xung đột do tác động lâu dài của những loại vũ khí chết người này. Hơn nữa, tất cả các quốc gia lớn vẫn nằm ngoài phạm vi của Công ước về Bom, đạn chùm nên tiến hành ký hiệp ước, bắt đầu với các cường quốc, để chấm dứt đau khổ kéo dài hàng thập kỷ do bom, đạn chùm gây ra cho người dân bình thường.

Adblock test (Why?)