Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, chủ nhà năm nay, đã cam kết chiến sự Ukraine sẽ không làm lu mờ sự tập trung của ông vào nhu cầu của các quốc gia đang phát triển ở Nam bán cầu nhưng cuộc chiến được cho là vẫn sẽ là chủ đề nóng khó bỏ qua.
Khi các nhà lãnh đạo bắt đầu đến dự hội nghị vào thứ Sáu, các nhà ngoại giao Ấn Độ vẫn đang cố gắng tìm ngôn ngữ thỏa hiệp cho một thông cáo chung. Nguy cơ kết thúc hội nghị thượng đỉnh mà không có tuyên bố chung như vậy sẽ nhấn mạnh mối quan hệ giữa các cường quốc trên thế giới đang căng thẳng như thế nào - và làm hoen ố hình ảnh mà ông Modi đang cố gắng xây dựng về Ấn Độ với tư cách là bên có thể giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Nazia Hussain, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore bình luận: “New Delhi sẽ không muốn chiến sự Ukraine làm xao lãng chương trình nghị sự chính là giải quyết các vấn đề mà các nước Nam bán cầu quan tâm. Vì vậy, trong khi sẽ có các cuộc thảo luận về các vấn đề mới nổi như hậu quả của chiến tranh - an ninh và sự đứt gãy chuỗi cung ứng, an ninh năng lượng và cung cấp thực phẩm - thì trọng tâm vẫn phải là cách giảm thiểu hậu quả chiến tranh thay vì tranh luận về các khía cạnh địa chính trị/an ninh của chiến tranh".
Nga và Trung Quốc, nước ủng hộ quan trọng nhất của Moscow đã bác bỏ dự thảo thông cáo liên quan đến Ukraine trong đó nói rằng “hầu hết các thành viên đều lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine".
Trong khi đó, Liên minh châu Âu cho biết ngôn ngữ thỏa hiệp do Ấn Độ đề xuất không đủ mạnh để họ đồng ý. Anh cho biết Thủ tướng Rishi Sunak có kế hoạch thúc ép các thành viên G20 có đường lối cứng rắn hơn với Nga.
Mặc dù Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Bali bằng video vào năm ngoái, nhưng ông Modi đã đưa ra quan điểm không mời nước này tham gia sự kiện năm nay.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã hứa với ông Zelensky sẽ đưa Ukraine vào trong các cuộc thảo luận tại G20.
"Tôi rất thất vọng vì bạn sẽ không được tham gia nhưng như bạn biết, chúng tôi sẽ lên tiếng mạnh mẽ vì bạn", ông Trudeau nói.
Ian Lesser, phó chủ tịch Quỹ Marshall Đức và giám đốc văn phòng Brussels, cho biết, được thành lập vào năm 1999, G20 vốn có mục tiêu tập trung vào các thách thức kinh tế toàn cầu, nhưng sau đó, căng thẳng địa chính trị đã làm phức tạp khả năng hoạt động hiệu quả của tổ chức này.
Ông Lesser cho biết, chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine và sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã gây thêm xích mích, khiến một số quốc gia G20 hùng mạnh nhất trực tiếp chống lại nhau về mặt ngoại giao.
“Bây giờ rất khó để bất kỳ hội nghị thượng đỉnh quy mô lớn nào tránh được những vấn đề thời sự chính. Và những vấn đề này đang rất phân cực – cuộc chiến ở Ukraine, căng thẳng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thậm chí cả chính sách khí hậu – những vấn đề vừa được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu nhưng cũng rất khó giải quyết", ông Lesser bình luận.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không tham dự G20 mà cử các quan chức cấp thấp hơn tới dự.
Ấn Độ cũng có mối quan hệ lịch sử với Moscow nhưng cũng có quan hệ tốt với Mỹ. Ông Modi đang hy vọng sử dụng ảnh hưởng của đất nước mình để thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia giàu có đang sát cánh cùng nhau để trừng phạt Nga trong cuộc chiến Ukraine và nhóm các quốc gia được gọi là Nam bán cầu.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với các phóng viên trước khi ông Biden lên đường tới dự G20 rằng tổng thống hy vọng hội nghị thượng đỉnh này “sẽ cho thấy các nền kinh tế lớn trên thế giới có thể hợp tác cùng nhau ngay cả trong thời điểm đầy thử thách”.
Đăng nhận xét