Chiều 4/9, nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Jakarta, Indonesia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao những bước phát triển tích cực trong quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Indonesia kể từ cuộc gặp tháng 5/2023 tại Labuan Bajo; khẳng định trên nền tảng những giá trị quý báu của mối quan hệ hữu nghị truyền thống do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Soekarno đặt nền móng, hai nước sẽ tăng cường trao đổi tiếp xúc cấp cao và các cấp trong thời gian tới, đặt dấu mốc cho kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược trong năm 2023 và hướng tới các sự kiện lớn trọng đại 70 năm quan hệ ngoại giao và 80 năm Quốc khánh của hai nước vào năm 2025.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhất trí tích cực phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và phối hợp triển khai tốt các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết, trong đó có việc đưa văn kiện đã ký kết về hợp tác biển sớm có hiệu lực và triển khai thực hiện trong thực tế, tạo động lực đưa quan hệ Đối tác Chiến lược phát triển lên tầm cao mới, hướng tới Đối tác Chiến lược Toàn diện trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai nước duy trì đà tăng trưởng thương mại theo hướng cân bằng hơn, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 15 tỷ USD vào năm 2028; đề nghị Chính phủ hai nước cùng thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước tăng cường đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, phát triển hệ sinh thái xe điện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Indonesia hạn chế áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, tạo thuận lợi cho nông sản và các sản phẩm Halal có xuất xứ Việt Nam tiếp cận thị trường Indonesia, hợp tác phát triển các chuỗi cung ứng mới có tính chiến lược và tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm; đề nghị Indonesia công nhận nỗ lực của Việt Nam về quản lý hoạt động tàu cá, hạn chế tối đa hoạt động khai thác trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Tổng thống Indonesia Joko Widodo hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Indonesia dự Hội nghị cấp cao ASEAN 43 và các hội nghị liên quan; cảm ơn và đánh giá cao sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực của Việt Nam dành cho Indonesia trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2023.
Tổng thống Joko Widodo hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Vinfast, đầu tư tại Indonesia, đẩy mạnh hợp tác phát triển năng lượng tái tạo, hệ sinh thái xe điện; đề nghị hai nước tăng cường hợp tác biển, hợp tác nghề cá bền vững và sớm ký Bản ghi nhớ về hợp tác nghề cá.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Indonesia bảo đảm thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN 43 và Năm Chủ tịch ASEAN 2023, góp phần tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN và đóng góp vào việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển chung ở khu vực.
Về vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định ủng hộ duy trì đoàn kết và các nguyên tắc đã nhất trí của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, nhất là việc ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trân trọng chuyển lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mời Tổng thống Joko Widodo sớm thăm Việt Nam. Tổng thống Joko Widodo đã vui vẻ nhận lời mời.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)
Tại cuộc gặp, bà Kristanila Georgieva nhấn mạnh tăng trưởng tích cực của nền kinh tế ASEAN nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng đã đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững của kinh tế thế giới trong thời gian qua.
Về tình hình kinh tế thế giới thời gian tới, bà Georgieva đánh giá còn nhiều khó khăn, bất định, lạm phát cao, lãi suất tăng cao, tăng trưởng dự kiến tiếp tục suy giảm. Bà Georgieva cho rằng Việt Nam cũng đang chịu tác động tiêu cực từ tình hình này. Chia sẻ nhận định về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng kinh tế thế giới đang chịu tác động mạnh mẽ và sâu rộng do nhiều nhân tố, trong đó có các tác động dài hạn của đại dịch COVID-19, cuộc xung đột tại Ukraine, chính sách thắt chặt tiền tệ của nhiều nền kinh tế thế giới, suy giảm của tổng cung – cầu và sản xuất kinh doanh bị đình trệ, tác động đến đời sống của mọi tầng lớp nhân dân.
Để vượt qua những khó khăn, thách thức hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Giám đốc IMF nhất trí cần có những giải pháp toàn diện cả về chính trị, kinh tế, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương và tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính và bà Georgieva chia sẻ quan điểm các nước cần chung tay tìm kiếm những động lực mới cho tăng trưởng, trong đó có tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; huy động các nguồn lực để mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người dân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, không chính trị hóa các vấn đề kinh tế và khoa học công nghệ; tăng cường ký kết, đàm phán các hiệp định thương mại tự do, gỡ bỏ các rào cản thương mại nhằm tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa toàn cầu; xử lý các vấn đề khác biệt một cách hòa bình, hợp tác; đẩy mạnh huy động các nguồn lực cho phát triển thông qua hợp tác công – tư.
Đăng nhận xét