Cúm, Covid và các bệnh do vi khuẩn lây truyền qua đường nước được cảnh báo đang đe dọa sức khỏe của dân cư Gaza vốn đã dễ bị tổn thương trong cuộc xung đột Hamas-Israel.
Nguồn nước nhiễm độc
Nước uống sạch đang cạn kiệt ở Gaza đang đe dọa thêm tình hình nhân đạo vốn đã thảm khốc trong khu vực.
Sau cuộc tấn công khủng bố bất ngờ của Hamas vào Israel hôm 7/10 khiến hơn 1.400 người thiệt mạng, Israel đã cắt nước, điện và nhiên liệu cung cấp cho Dải Gaza để trả đũa.
Philippe Lazzarini, Tổng ủy viên Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên Hợp Quốc cho người tị nạn Palestine cảnh báo: “Nếu chúng ta nhìn vào vấn đề nước - tất cả chúng ta đều biết nước là sự sống - Gaza đang cạn nước và Gaza đang cạn kiệt sự sống".
Tiến sĩ Adam Levine, Giám đốc Ban Khẩn cấp Y khoa Toàn cầu tại Trường Y Alpert thuộc Đại học Brown và Trường Y tế Công cộng cho biết: “Chúng tôi biết rằng trong các cuộc xung đột khác trên thế giới, dù ở Châu Phi, Trung Đông hay Nam Á, các bệnh truyền nhiễm thực sự giết chết nhiều dân thường hơn bom đạn”.
Tiến sĩ Levine cho biết, bệnh truyền nhiễm là mối quan tâm đặc biệt ở Gaza - nơi người dân đang bị giảm khả năng tiếp cận với nước sạch và vệ sinh”, đồng thời cũng là nơi người dân đã phải di dời và đang cùng nhau trú ẩn trong điều kiện rất đông đúc".
Không có nước sạch, người dân Gaza buộc phải uống hoặc nấu ăn bằng nước nhiễm độc, Tiến sĩ Levine cảnh báo.
Nguồn nước đó có khả năng chứa đầy vi khuẩn có thể dẫn đến các bệnh đường ruột nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh kiết lỵ và bệnh tả.
Với bệnh tả, "bạn có thể bị mất nước và chết trong một khoảng thời gian cực kỳ ngắn", Tiến sĩ Paul Spiegel, giám đốc Trung tâm Y tế Nhân đạo Johns Hopkins cảnh báo.
Các bác sĩ cho biết, nguy cơ cao nhất là trẻ em vì chúng có lượng máu ít hơn nhiều so với người lớn.
Tiến sĩ Levine nói: “Nói chung, chúng sẽ mất nước nhanh hơn người lớn”.
Theo Liên Hợp Quốc, một đợt bùng phát dịch tả hoặc các bệnh tiêu chảy khác có thể có tác động đặc biệt lan rộng đến dân số Gaza, trong đó gần một nửa là những người từ 18 tuổi trở xuống.
“Đứa trẻ càng nhỏ thì càng có nhiều nguy cơ mắc bệnh", ông Levine nhấn mạnh.
Cúm và các loại virus khác
Cũng có những dấu hiệu cho thấy những căn bệnh khác - cụ thể là virus đường hô hấp - đang bắt đầu lây lan khi hàng nghìn người sơ tán từ phía bắc Gaza bị buộc phải đến những khu vực đông đúc, chật chội ở nửa phía nam của lãnh thổ.
Tiến sĩ Ahmad Moghrabi, trưởng khoa phẫu thuật tại Bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, miền nam Gaza, cho biết ông đã thấy điều mà ông tin là sự gia tăng của bệnh cúm "ngay cả trong số các nhân viên y tế".
Tờ Spiegel của Đức đưa tin, Covid cũng được cho là sẽ “tấn công” vào Gaza. “Khi mọi người di chuyển từ Bắc vào Nam, nơi đây sẽ ngày càng trở nên đông đúc và ngày càng trở nên chín muồi cho các bệnh truyền nhiễm”, tờ báo nhấn mạnh/
Việc tiêm chủng rộng rãi chống cúm hoặc các loại vi-rút khác như RSV hoặc Covid không còn khả thi khi xung đột vẫn tiếp diễn. “Điều đó là không thể", ông Moghrabi nói.
Không có bằng chứng nào cho thấy bệnh sởi đang lây lan, nhưng đây là một loại virus khiến các bác sĩ lo ngại. Sởi là một trong những loại virus dễ lây lan nhất trên thế giới. Một trường hợp mắc sởi ở một nơi trú ẩn đông đúc có thể lây nhiễm cho bất kỳ ai khi tất cả những người ở đó chưa được tiêm chủng.
Levine cho biết, tỷ lệ tiêm chủng sởi ở trẻ em ở Gaza cao tới 97% trong những năm trước năm 2020, nhưng tỷ lệ này đã giảm trong đại dịch Covid.
Kết quả là bệnh sởi quay trở lại Gaza vào năm 2020 lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ.
“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu bệnh sởi xuất hiện trở lại. Nó đã xảy ra trong những tình huống khác khi có sự di dời hoặc di chuyển lớn của người dân", Dabney Evans, phó giáo sư về sức khỏe toàn cầu tại Trường Y tế Công cộng Rollins của Đại học Emory kiêm giám đốc Trung tâm Khẩn cấp Nhân đạo của Trung tâm Emory bình luận.
Tiêm phòng sởi, cũng như tiêm phòng cúm, Covid và RSV, sẽ là một phần của viện trợ nhân đạo nếu những nguồn lực đó được cho phép vào Gaza. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết nguồn cung cấp mà tổ chức này gửi đến khu vực đang sẵn sàng vào Gaza tại cửa khẩu Rafah ở Ai Cập, nơi vẫn đóng cửa vào thứ Sáu 20/10.
Evans cho biết, việc thiếu nước uống sạch, thực phẩm và vệ sinh ở Gaza sẽ làm trầm trọng thêm tác động do bất kỳ sự lây lan nào của virus hoặc vi khuẩn nào.
Tiến sĩ Barbara Zind, một bác sĩ nhi khoa ở Colorado (Mỹ) đã đến Thành phố Gaza cùng với Quỹ cứu trợ trẻ em Palestine trước khi xung đột bắt đầu và vẫn ở đó, ước tính có khoảng 300 đến 400 người buộc phải dùng chung một nhà vệ sinh.
“Họ không có nhiên liệu, điện, thực phẩm hay nước sạch. Dân số ở đây đang bị giết", Tiến sĩ Zind nói.
Đăng nhận xét