Theo Hindustantimes, cuộc họp được tổ chức tại trụ sở quân sự ở Tel Aviv, bắt đầu với việc các bộ trưởng Israel đứng im lặng trong giây lát để tưởng nhớ khoảng 1.300 người bao gồm 279 binh sĩ Israel thiệt mạng trong cuộc tấn công dữ dội của Hamas ngày 7/10.
Sau khi các chiến binh Hamas vượt qua biên giới kiên cố giữa Dải Gaza và Israel để bắn, đâm và thiêu chết hơn 1.300 người, Israel đã phát động một chiến dịch ném bom trả đũa quy mô lớn nhắm vào nhóm Hồi giáo này ở Gaza. Chiến dịch không kích của Israel ước tính đã khiến hơn 2.200 người ở Gaza thiệt mạng, gần 10.000 người bị thương, các quan chức Palestine ch biết.
Tuy nhiên, Israel không định dừng lại việc không kích mà thậm chí còn đang chuẩn bị cho một chiến dịch trên bộ quy mô lớn vào Gaza.
Quân đội Israel hôm thứ Sáu 13/10 đã yêu cầu người dân ở nửa phía bắc của Dải Gaza - bao gồm hơn một triệu cư dân của Thành phố Gaza - di chuyển về phía nam ngay lập tức. Tối 14/10 họ tuyên bố sẵn sàng thực hiện một loạt các phương án tấn công ở Dải Gaza. Điều này bao gồm một cuộc tấn công chung và phối hợp vào Gaza "bằng đường hàng không, đường bộ và đường biển". Trong cuộc họp nội các hôm 15/10, Thủ tướng Netanyahu đã thề sẽ hủy diệt Hamas.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng những tuyên bố như vậy chỉ mang màu sắc "chính trị thuần túy", theo Firstpost.
Samy Cohen, một nhà nghiên cứu danh dự tại Sciences Po và là Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Israel của Pháp (AFEIL) bình luận trên The Conversation rằng những tuyên bố của ông Netanyahu chỉ là "lời hùng biện chính trị thuần túy".
“Hamas không phải là đội quân để có thể bị đánh bại trên chiến trường và buộc họ đầu hàng. Đây là một tổ chức bán quân sự có tính phi tập trung cao, trong đó các chiến binh ẩn náu trong đường hầm rất khó bị tiêu diệt. Chỉ lực lượng không quân Israel sẽ không đủ để tiêu diệt họ”, ông Cohen nói.
Theo Cohen, một cuộc tấn công trên bộ sẽ dẫn đến nhiều nạn nhân cho cả hai bên - bao gồm dân thường Gaza, các chiến binh Hamas và binh lính Israel. Ông Cohen cũng chỉ ra rằng, các con tin bị Hamas bắt giữ sẽ là một yếu tố phức tạp.
Các chuyên gia khác nói rằng, mặc dù Israel có thể chiếm được Gaza về mặt vật lý nhưng mục tiêu đã nêu là '"iêu diệt Hamas" thì khó có thể đạt được hơn.
Một bài báo trên Tạp chí Chính sách đối ngoại lưu ý rằng Israel đã trì hoãn việc tấn công trên bộ vì "một số lý do" ở Gaza.
“Bộ máy an ninh Israel từ lâu cũng tin rằng việc tiêu diệt Hamas sẽ đòi hỏi nhiều điều hơn là một hoạt động quân sự ngắn hạn, chỉ diễn ra một lần nhưng một chiến dịch quân sự rộng lớn hơn sẽ mang đến nhiều thách thức cho chính quyền Israel. Không phải ngẫu nhiên mà Israel đơn phương quyết định sơ tán khỏi Dải Gaza vào năm 2005, nhiều thập kỷ sau khi chiếm đóng lãnh thổ vào năm 1967”, bài viết nêu rõ.
Bài báo lưu ý rằng để vô hiệu hóa vĩnh viễn Hamas, người Israel sẽ cần phải quay trở lại Gaza và ở lại đây vô thời hạn.
“Không có quân đội trên mặt đất, Israel không thể ngăn chặn Hamas. Nhưng triển khai chiến dịch trên bộ không chỉ có nghĩa là phải chi một khoản tiền cực lớn mà chắc chắn còn phải mất đi rất nhiều sinh mạng của cả hai bên”, bài báo trên Tạp chí Chính sách đối ngoại nhấn mạnh.
Một bài viết trên tờ The Guardian lưu ý rằng, mục tiêu đằng sau cuộc tấn công trên bộ của Israel nhằm tiêu diệt Hamas chỉ có hiệu quả khi họ chiếm đóng hoàn toàn khu vực này và về cơ bản, điều đó giống như những gì Mỹ đã cố gắng thực hiện ở Afghanistan sau vụ 11/9 (nhưng cuối cùng vẫn thất bại).
Tờ báo dẫn lời HA Hellyer, một nhà phân tích của Viện nghiên cứu Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh nói rằng, Israel trước tiên sẽ phải phá hủy “tất cả bộ máy quản lý ở Gaza” và thay thế nó bằng một chế độ quân sự. Tuy nhiên, nếu quyết tâm làm việc này, Israel sẽ đối mặt với áp lực và sự phản đối mạnh mẽ trên trường quốc tế.
Chuyên gia Tây Á Hasan Alhasan của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế đặt câu hỏi liệu “có chiến lược quân sự khả thi nào ngoài việc thanh lọc toàn bộ sắc tộc ở Gaza để có thể dẫn đến thất bại vĩnh viễn của Hamas hay không”. Alhasan lập luận rằng, dù Hamas có thể bị tiêu diệt đáng kể trong cuộc tấn công của Israel nhưng lực lượng này vẫn có thể “tái sinh trong một hoặc hai thế hệ” kế tiếp bởi những đứa trẻ ở Gaza đã có ký ức về bạo lực kinh hoàng.
Cựu giám đốc MI6 của Anh Sir Alex Younger cảnh báo: “Bạn không thể tiêu diệt tất cả những kẻ khủng bố mà không tạo ra thêm những kẻ khủng bố”.
Đăng nhận xét