Đón đoàn tại sân bay có: Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng; Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước, Bộ Ngoại giao Nguyễn Việt Dũng; Đại sứ Việt Nam tại Kazakhstan Phạm Thái Như Mai cùng các cán bộ của Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Ngoại giao. Phía Kazakhstan có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Kazakhstan tại Việt Nam Yerlan Baizhanov cùng một số cán bộ Đại sứ quán Kazakhstan tại Hà Nội.
Tháp tùng Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev thăm Việt Nam có: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Murat Nurtleu; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Hội nhập Serik Zhumangarin; Phó Chánh Văn phòng Tổng thống, Đại diện đặc biệt của Tổng thống về hợp tác quốc tế Erzhan Kazykhan; Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Phát triển cơ sở hạ tầng Marat Karabayev; Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thể thao Askhat Oralov; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty quốc gia về năng lượng KazMunayGas Magzum Mirzagaliyev; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty quốc gia về đường sắt và vận tải Kazakhstan Temir Zholy Nurlan Sauranbayev; Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Samruk-Kazyna Nurlan Zhakupov; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Kazakhstan tại Việt Nam Yerlan Baizhanov.
Ông Kassym-Jomart Tokayev là Tổng thống thứ hai của Kazakhstan. Ông sinh ngày 17/5/1953, tại thành phố Alma-ata (nay là Almaty), Kazakhstan; trình độ: Tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO), Thực tập tại Học viện Ngôn ngữ Bắc Kinh, Tốt nghiệp Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao Liên bang Nga). Ông biết 3 ngoại ngữ: Nga, Anh, Trung Quốc.
Về sự nghiệp chính trị, ông Kassym-Jomart Tokayev từng là Bí thư thứ hai, Bí thư thứ nhất và Tham tán tại Đại sứ quán Liên Xô tại Bắc Kinh (1985 - 1991); Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Kazakhstan (1992); Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Cộng hòa Kazakhstan (1993); Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Kazakhstan (1994 - 1999 và 1/2002-1/2007); Phó Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Kazakhstan (3/1999 - 10/1999); Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Kazakhstan (10/1999); Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Kazakhstan (2007 - 4/2011 và 10/2013 - 3/2019); Phó Chủ tịch Hội đồng Nghị viện Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể OSCE (2008); Tổng Giám đốc Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva; đại diện cá nhân của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tại Hội nghị giải trừ quân bị (3/2011 - 10/2013).
Từ 3/2019 đến nay, ông giữ chức Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan.
Đây là lần đầu tiên ông Kassym-Jomart Tokayev đến Việt Nam trên cương vị mới, cũng là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Kazakhstan trong 12 năm qua. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai quốc gia đang đứng trước nhiều cơ hội để đưa quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác song phương bước lên tầm cao mới.
Đại sứ Cộng hòa Kazakhstan tại Việt Nam Yerlan Baizhanov:
Lịch trình làm việc của Tổng thống rất dày đặc. Lãnh đạo Kazakhstan dự kiến sẽ hội kiến với các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Điều này đã thể hiện ý nghĩa quan trọng của cả hai quốc gia đối với chuyến thăm trên.
Tôi tin tưởng rằng, các cuộc gặp sẽ đi sâu vào những vấn đề trọng tâm, có thể khẳng định độ tin cậy chính trị cao giữa hai nước và thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác trong mọi lĩnh vực.
Việt Nam cũng như Kazakhstan đều đang trong thời kỳ vươn mình mạnh mẽ, phát triển như vũ bão trong lĩnh vực kinh tế. Hai nước chúng ta có rất nhiều vấn đề để thảo luận và đề xuất cho nhau.
Tổng thống Kazakhstan K.Tokayev cũng sẽ đến thăm các tỉnh, thành phố lân cận Hà Nội và tham quan các doanh nghiệp sản xuất.
Dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên sẽ ký kết hơn 10 thỏa thuận. Trong số đó đặc biệt quan trọng phải kể đến là Kế hoạch phối hợp hành động nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế-thương mại, tạo tiền đề cơ bản mới cho hợp tác kinh tế.
Đây không chỉ đơn thuần là sứ mệnh giao thương lâu dài mà còn về các cơ chế hiện tại và thúc đẩy chính phủ hai bên hỗ trợ kinh doanh ở cả hai quốc gia.
Một văn kiện quan trọng nữa là thỏa thuận về chế độ miễn thị thực cho công dân hai nước. Điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho việc trao đổi du lịch, góp phần làm phong phú thêm môi trường đầu tư, văn hóa, giáo dục và giao lưu nhân văn nói chung.
Đăng nhận xét