Camp David (Trại David) là nơi nghỉ dưỡng dành riêng cho tổng thống Mỹ đương nhiệm. Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên sử dụng nó cho gặp gỡ cấp cao. Ông Biden mời được tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tới Mỹ tham dự cuộc gặp cấp cao ba bên vì trước đấy ông Yoon Suk Yeol và ông Kishida, với sự thúc đẩy mạnh mẽ của cá nhân ông Biden, đã nhất trí hoà giải và bình thường hoá trở lại mối quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ.
Kết quả của cuộc gặp được thể hiện trong bản tuyên bố chung và ý nghĩa của nó được biểu lộ trong nhấn mạnh của ông Biden, ông Yoon Suk Yeol và ông Kishida rằng cuộc gặp cấp cao bên ở Camp David có ý nghĩa lịch sử, mở ra "kỷ nguyên quan hệ đối tác mới".
Từ nhiều thập kỷ nay, Nhật Bản và Hàn Quốc đều là đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ. Cả hai đều dựa vào Mỹ để có được sự đảm bảo an ninh. Trên lãnh thổ hai nước này đều có lực lượng lớn quân đội và khí tài quân sự hiện đại của Mỹ được triển khai tại nhiều căn cứ quân sự của Mỹ. Cả hai đều có nhu cầu đối phó những thách thức và đe doạ an ninh mà họ cảm nhận thấy xuất phát từ Trung Quốc và Triều Tiên. Nhưng phải đến cuộc gặp cấp cao vừa rồi với Mỹ ở Camp David, ba nước này mới thật sự gây dựng nên liên kết ba bên về chính trị, an ninh, quân sự và quốc phòng cho dù trước đấy, lãnh đạo ba nước này đã nhiều lần gặp nhau tay ba bên lề những sự kiện đa phương quốc tế.
Liên kết này bước đầu đã được thể chế hoá khi ba bên thoả thuận hàng năm tiến hành gặp gỡ cấp cao và tập trận chung ở khu vực Đông Bắc Á. Để tránh bị nhìn nhận là "thành lập Nato ở vùng châu Á - Thái Bình Dương", bộ ba này không thành lập liên minh quân sự như NATO ở châu Âu. Họ cũng tránh bị nhìn nhận là một liên minh an ninh ở khu vực Đông Bắc Á như Mỹ, Anh và Australia đã thành lập Liên minh an ninh ba bên (AUKUS) với trọng tâm là vùng Nam Thái Bình Dương.
Họ chỉ thiết lập khuôn khổ hợp tác mới về chính trị, quân sự, quốc phòng và an ninh ba bên dựa trên hai cặp quan hệ liên minh quân sự chiến lược truyền thống giữa Mỹ với Hàn Quốc và giữa Mỹ với Nhật Bản, tức là không bao gồm cam kết đảm bảo an ninh cho nhau như Điều 5 trong Hiệp ước Nato mà chỉ có Mỹ xưa nay vốn đã cam kết đảm bảo an ninh cho Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhưng họ thoả thuận thông tin cho nhau và tham vấn lẫn nhau mỗi khi có bên cảm nhận thấy bị đe doạ hay thách thức an ninh hoặc bị tấn công để cùng phối hợp hành động. Đấy chính là những gì khiến Trung Quốc và Triều Tiên quan ngại nhiều nhất và sâu sắc nhất, vì thế phản ứng rất gay gắt.
Ở Camp David, bộ ba kia đã dùng những ngôn từ to tát và nặng nề khi đề cập đến Trung Quốc và Triều Tiên, cụ thể là về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, về toan tính và hành động quân sự của Trung Quốc ở khu vực Đông Bắc Á, vùng biển xung quanh Đài Loan và ở khu vực Biển Đông. Bầu không khí cũng như bản tuyên bố chung của cuộc gặp giữa ông Biden, ông Kishida và ông Yoon Suk Yeol vừa rồi ở Camp David đều toát lên sự đồng thuận quan điểm sâu rộng và quyết tâm phối hợp hành động tin cậy giữa ba nước này trong tất cả những vấn đề có liên quan đến Trung Quốc và Triều Tiên.
Kiến tạo nên khuôn khổ hợp tác chiến lược mới này, Mỹ cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc tạo nên thế trận và thế cờ mới về chính trị, quân sự, quốc phòng và an ninh không chỉ ở khu vực Đông Bắc Á mà còn cả ở khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Không phải như thế sao khi họ gây dựng nên mạng lưới những trụ cột an ninh cho cả khu vực lớn này và có thể đối phó Trung Quốc ở từng vùng nhỏ trong khu vực lớn: Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc ở vùng Đông Bắc Á và vùng biển xung quanh Đài Loan; Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philipin ở khu vực Biển Đông; Mỹ, Australia và Anh ở vùng Nam Thái Bình Dương. Mỹ là thành viên Nato trong khi cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác với Nato trong khi bản thân Nato cũng muốn vươn tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mối quan hệ của bộ ba này với Trung Quốc và Triều Tiên vì thế còn tiếp tục leo thang căng thẳng và đối kháng trong thời gian tới.
Đăng nhận xét