Sau khi tìm kiếm hơn 50 vị trí trên nhiều cổng thông tin việc làm khác nhau, Connie Xu cuối cùng đã có cơ hội được phỏng vấn thực tập tại một công ty ở thành phố lớn của Trung Quốc.
Cô gái 22 tuổi tốt nghiệp trong tháng này với bằng ngôn ngữ và văn học Trung Quốc, tự coi bản thân là ứng cử viên sáng giá cho vị trí công việc được phỏng vấn bởi cô sở hữu bộ kỹ năng cần thiết và kinh nghiệm từ các dự án ở trường đại học. Vì vậy, cô gái gốc Quảng Đông đã dành 90 phút di chuyển để đến nơi phỏng vấn đồng thời chắc mẩm rằng đây có thể là cơ hội để có được một công việc tốt. Nhưng thực tế không như cô tưởng tượng.
Connie Xu kể lại: “Họ nói tôi còn non nớt. Theo lời của người phỏng vấn, tôi là một 'tờ giấy trắng' không có bất kỳ kinh nghiệm làm việc thực tế nào”. Do đó, Connie Xu tiếp tục tìm kiếm. Và cô dường như không đơn độc trong cuộc đấu tranh tìm việc làm. Đặc biệt là khi có tới 11,58 triệu cử nhân gia nhập lực lượng lao động của Trung Quốc trong năm nay.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc từ 16 đến 24 tuổi tiếp tục tăng trong tháng 5 lên mức cao nhất mọi thời đại là 20,8%, tăng từ kỷ lục trước đó là 20,4% vào tháng 4. Chính sách zero-COVID-19 đã kết thúc từ tháng 12/2022 nhưng tác động của nó vẫn được ghi nhận trong lực lượng lao động tại Trung Quốc.
Các sinh viên tốt nghiệp năm 2023 dành phần lớn thời gian học trực tuyến và nhiều người đang phải vật lộn để thuyết phục nhà tuyển dụng rằng họ có thể đảm nhận một công việc thực sự. “Bốn năm đại học nhưng chúng tôi bị mắc kẹt trong khuôn viên trường trong ba năm”, cô Connie Xu than thở.
Miriam Wickertsheim, một nhà tuyển dụng cho các công ty nước ngoài có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết những sinh viên mới tốt nghiệp mà bà nói chuyện gần đây - tốt nghiệp từ năm 2019 đến 2023 - dường như kém hấp dẫn hơn đối với các nhà tuyển dụng do về cơ bản kiếm được bằng cấp qua học trực tuyến.
Bà Miriam Wickertsheim nhận định: “Những người phỏng vấn cho biết các cử nhân chỉ học từ xa, vì vậy có ít hoạt động xã hội hơn và ít cơ hội làm việc trực tiếp hơn để phát triển tinh thần tập thể và kỹ năng xã hội. Các nhà tuyển dụng cho biết họ sẽ đợi lứa sinh viên tốt nghiệp tiếp theo”. Bà nói thêm rằng nhiều công ty tư nhân nhỏ của Trung Quốc, vốn có truyền thống cung cấp việc cho sinh viên mới tốt nghiệp, đã phải chịu thiệt hại trong đại dịch và vẫn đang cố gắng phục hồi.
Bà Wickertsheim bổ sung: “Phải mất khá nhiều thời gian, nguồn lực để một công ty tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp và hướng dẫn họ đến mức có thể gia tăng giá trị kinh tế cho công ty. Ở thời điểm này, khi môi trường kinh doanh đầy thách thức, rất nhiều công ty không muốn thực hiện loại đầu tư đó”.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc tiếp tục phá vỡ kỷ lục. Bắc Kinh tuyên bố sẽ giải quyết tình trạng cứ 5 người thuộc nhóm tuổi từ 16 đến 24 tuổi thì có một người không thể tìm được việc làm.
Vào ngày 1/6, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã công bố chiến dịch 100 ngày trên toàn quốc “để hướng dẫn sinh viên tốt nghiệp chủ động tìm kiếm việc làm và giúp nhiều cử nhân tìm được việc làm càng sớm càng tốt, trước và sau khi rời ghế nhà trường”.
Đối với sinh viên chưa tốt nghiệp của Trung Quốc, quá trình tìm việc của họ thường bắt đầu vào học kỳ mùa Thu của năm cuối, khi các công ty lớn tổ chức các đợt tuyển dụng tại trường nhằm mục đích tuyển thêm nhân sự cho các vị trí cấp dưới của họ.
Giai đoạn tuyển dụng mùa Xuân tiếp theo, thường là từ tháng 3 đến tháng 5, sẽ có ít vị trí hơn cho sinh viên. Nhưng ngay cả những người tìm được việc làm thì cũng có thể không có vị trí thuận lợi nhất.
Xu cho biết cô tin rằng trong tương lai gần, những người không có kinh nghiệm thực tập sẽ tiếp tục là đối tượng đầu tiên bị loại hồ sơ sớm trong quá trình nộp đơn xin việc. Và Connie Xu cũng nói rằng ngay cả những người bạn đạt điểm xuất sắc của cô vẫn chưa tìm được việc làm. “Các công ty đều đang gấp rút cắt giảm việc làm, họ sẽ tuyển dụng như thế nào? Ngay cả khi có tuyển dụng, họ sẽ chọn những người có thể đảm nhận nhiều vai trò. Thế hệ sinh viên mới tốt nghiệp đã bị cách ly trong trường trong ba năm, chúng tôi lấy kinh nghiệm trong ngành từ đâu?”.
Đăng nhận xét