Báo cáo nêu chi tiết tổ tiên của các nhà lãnh đạo Mỹ kể từ Quốc hội khoa thứ 117. Báo cáo cho thấy, 5 tổng thống còn sống, 2 thẩm phán Tòa án Tối cao, 11 thống đốc và 100 thành viên Quốc hội có tổ tiên là chủ sở hữu nô lệ.
Theo báo cáo, các Tổng thống Biden, Carter, George W. Bush, Clinton và Obama đều có tổ tiên bắt người da đen làm nô lệ trong gia phả của họ. Ông Obama - tổng thống da đen duy nhất từ trước tới nay, gia đình có mối liên hệ với các chủ nô là từ phía người mẹ da trắng của ông.
Trong khi đó, gia đình Trump phải đến sau khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ thì mới nhập cư vào Mỹ. Cụ tổ của Tổng thống Donald Trump là Friedrich Trump muốn tránh lao động khổ sai và phục vụ trong quân đội Đức nên dã vượt Đại Tây Dương sang Mỹ năm 1885, trong khi hiến pháp sửa đổi lần 13 của Mỹ kêu gọi chấm dứt chế độ nô lệ 20 năm trước đó.
Tại Quốc hội, Reuters tìm thấy ít nhất 100 nhà lập pháp có cây phả hệ của họ liên hệ với các chủ nô, bao gồm 28 thượng nghị sĩ và 72 hạ nghị sĩ, theo tỷ lệ 2 đảng là khoảng 28% nghị sĩ Cộng hòa và 8% nghị sĩ Dân chủ.
Những cái tên nổi bật bao gồm các Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, Lindsey Graham, Tom Cotton, James Lankford, Elizabeth Warren, Tammy Duckworth, Jeanne Shaheen, và Maggie Hassan.
Tại Tòa án Tối cao, chỉ có Thẩm phán Amy Coney Barrett và Neil Gorsuch có tổ tiên là nô lệ. Trong khi đó, một báo cáo gần đây khác từ Washington Post cho thấy Thẩm phán Ketanji Brown Jackson có tổ tiên là nô lệ, còn chồng bà, Patrick Jackson, có tổ tiên là chủ nô.
Giáo sư Đại học Harvard Henry Louis Gates Jr. nói rằng những phát hiện trong báo cáo này liên kết quá khứ với hiện tại. “Báo cáo chỉ nhằm nói rằng: Hãy xem chúng ta liên kết chặt chẽ với chế độ nô lệ thế nào, và nó cho biết những gì về cuộc sống của tổ tiên những người đại diện cho chúng ta trong quốc hội ngày nay”.
Ông cũng lưu ý báo cáo không nên xem như một lý do để bắt đầu trò chơi đổ lỗi. Ông đưa ra quan điểm: “Chúng ta không thừa hưởng cảm giác tội lỗi vì hành động của tổ tiên chúng ta”.
Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh cuộc tranh luận trên toàn nước Mỹ về việc bồi thường và di sản của chế độ nô lệ ở nước này. Các tiểu bang truyền thống ủng hộ Đảng Dân chủ như California đang có những câu hỏi mở về chương trình bồi thường nô lệ. Ủy ban đặc biệt về vấn đề bồi thường của tiểu bang đã chính thức khuyến nghị vào tháng 5 rằng tiểu bang nên bồi thường lên tới 1,2 triệu USD cho mọi cư dân da đen đủ điều kiện.
Tuy nhiên, đề xuất đó đã được chứng minh là quá cấp tiến ngay cả đối với các đảng viên Đảng Dân chủ ở California. Thống đốc Gavin Newsom đã từ chối thông qua việc bồi thường bằng tiền mặt ngay sau khi chúng được đề xuất.
"Những phát hiện và khuyến nghị độc lập của Ủy ban đặc biệt về Bồi thường là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực lưỡng đảng của chúng ta nhằm thúc đẩy công lý và thúc đẩy hàn gắn. Đây là một quá trình quan trọng và chúng ta nên tiếp tục làm việc với tư cách là một quốc gia để hòa giải tội lỗi nô lệ nguyên thủy của chúng ta và hiểu được lịch sử đã định hình đất nước chúng ta như thế nào” - ông Newsom nói với Fox News Digital vào thời điểm đó.
Đăng nhận xét