Đại sứ Palestine tại Việt Nam - ông Saadi Salama: Một người Việt quê Hà Nội và là giai phố cổ

Chàng thanh niên Palestine đã vượt ngàn dặm xa xôi đến Việt Nam và sống với tinh thần như một người Việt. Để giờ đây, bất cứ ai thân quen với ông đều tin rằng, một nửa bên trong người đàn ông Trung Đông lịch lãm này là một người Việt Nam, sống ở Hà Nội và là… "giai phố cổ".

"Tôi luôn cảm ơn cơ duyên đưa mình tới Việt Nam"

Đại sứ Saadi Salama kính mến, tôi rất tò mò, cơ duyên nào đã thôi thúc chàng thanh Palestine 19 tuổi vượt ngàn dặm xa xôi tới học tập tại một quốc gia đang nhọc nhằn với những khó khăn của nền kinh tế bao cấp, vào 43 năm trước?

- Câu hỏi của nhà báo khiến tôi nghĩ ngay đến khái niệm rất thú vị của người Việt: "cơ duyên". Ở góc độ ngôn ngữ, khái niệm ấy rất khó dịch ra tiếng Anh. Cơ duyên giống như "số phận", nhưng có chiều sâu văn hóa hơn từ này rất nhiều. 

Trong tâm thức người Việt, sự gặp gỡ tốt lành giữa mỗi cá nhân với một chuỗi sự kiện trong cuộc đời không chỉ là sự sắp đặt của số phận, thuộc về những yếu tố sâu xa vô hình, mà còn là sự tương hợp về tinh thần, tâm cảm của con người với cuộc sống.

Trở lại câu hỏi, từ khi còn là cậu học sinh 10 tuổi ở Palestine, tôi đã rất quan tâm đến phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới nên hay tìm hiểu về Việt Nam qua truyền hình, sách, báo.

gop/Đại sứ Palestine tại Việt Nam - ông Saadi Salama: Một người Việt “quê” Hà Nội và là “giai phố cổ” - Ảnh 1.

Đại sứ Saadi Salama và 2 trong số 4 người con của ông.

"Tôi muốn cảm ơn tất cả những người Việt Nam đã giúp đỡ tôi suốt quãng đường đời đã qua trên mọi lĩnh vực. Và hơn hết, họ giúp tôi hiểu rằng dù đến từ một nền văn hóa khác, bất cứ ai yêu mến đất nước và con người Việt Nam đều sẽ được đáp lại nhiều hơn thế!

Ông Saadi Salama –

Đại sứ Palestine tại Việt Nam

Tôi nhớ rất rõ cảm xúc phẫn nộ khi được biết về chiến dịch Linebacker II, không quân Mỹ ồ ạt tiến công trên toàn bộ miền Bắc (Việt Nam).

Đến khi Việt Nam giành thắng lợi, hoàn toàn thống nhất đất nước vào năm 1975, không chỉ cá nhân tôi, mà nhân dân Palestine đều vui mừng khi thấy lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam tung bay trên Dinh Độc Lập của Sài Gòn nay là TP.HCM.

Chúng tôi coi những thắng lợi của Việt Nam là thắng lợi của chính mình, bởi vì thắng lợi đó biểu trưng cho một nền độc lập, tự do và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người dân Palestine. Mặc dù chưa từng nghĩ sẽ có cơ hội đến Việt Nam, nhưng Việt Nam đã ở trong trái tim tôi từ những ngày đó.

Bằng sự chân thành, yêu thương và thấu hiểu về Hà thành, về dân tộc Việt Nam, ông nhận thấy quê hương thứ hai của mình đã thay đổi ra sao trong 43 năm qua?

- Lần đầu đến Việt Nam năm 1980, tôi thấy thủ đô Hà Nội rất xinh đẹp, hiền hoà, yên bình, nhưng cũng cảm nhận được, nhân dân Việt Nam sống vất vả. Phương tiện chủ yếu là xe đạp, nhà cao nhất không quá 5 tầng.

Bây giờ, Hà Nội là một thành phố năng động, có tốc độ phát triển cao và quy mô lớn hơn trước rất nhiều về cả diện tích và dân số. Tôi nằm trong số 1,5 triệu người dân sống tại Hà Nội đầu thập niên 1980 và may mắn chứng kiến những đổi thay của thành phố này ở mọi bước ngoặt quan trọng nhất suốt hơn bốn mươi năm qua. 

Bởi thế, tôi luôn nhìn Hà Nội với hai cảm xúc, niềm vui về sự đổi mới của một Hà Nội hiện đại và chút luyến tiếc, hoài niệm khi những đường nét cũ đang dần mất đi.

Đây là Thủ đô và cũng là trung tâm kinh tế phía Bắc của một Việt Nam đang liên tục đạt được những thành công trên lộ trình phát triển kinh tế và khẳng định vị thế quốc gia. Từ đất nước phải nhập gạo của nước ngoài, chủ yếu là gạo Ấn Độ với 5% tấm, những năm 1980. 

Việt Nam giờ có khi là thứ nhất, có khi là thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, tùy thuộc vào mùa vụ và đóng góp vào việc đảm bảo an ninh toàn cầu khi xuất khẩu nhiều hải sản, nông sản nhất thế giới, nếu nhìn về cà phê, điều, hồ tiêu… Đó rõ ràng là sự thành công rất rực rỡ.

Nếu phải lựa chọn một câu duy nhất để nói về sự thay đổi ấy, tôi sẽ nói rằng Việt Nam thay đổi với tốc độ ngoài sức tưởng tượng! tôi đã viết hẳn cuốn sách "Câu chuyện Việt Nam của tôi" vừa in xong quý I/2023.

"Việt Nam là quốc gia đáng sống"

gop/Đại sứ Palestine tại Việt Nam - ông Saadi Salama: Một người Việt “quê” Hà Nội và là “giai phố cổ” - Ảnh 3.

Đại sứ Saadi Salama thường xuyên cùng bạn bè tản bộ quanh Hồ Gươm.

Ông có thể chia sẻ về điều khiến một người đàn ông Palestine, một nhà ngoại giao kỳ cựu ngưỡng mộ và quý mến nhất ở những con người Việt Nam?

- Người dân Việt Nam có lòng yêu nước, có niềm tự hào to lớn về lịch sử của đất nước mình và tinh thần đoàn kết mạnh mẽ. Tôi nhớ rất rõ, đầu năm 2018, bóng đá Việt Nam tạo được kỳ tích đặc biệt tại giải vô địch châu Á dành cho lứa tuổi dưới 23. Những đêm đó, mọi con đường của Hà Nội tràn ngập một màu đỏ... Một cách tự nhiên, biển người ấy phất cờ, hát quốc ca và hồ hởi reo vang hai chữ Việt Nam. Tôi hiểu sự cuồng nhiệt ấy.

Và trong hơn 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, tôi được chứng kiến nhiều hình ảnh và khoảnh khắc đầy xúc động của người Việt Nam trong bệnh dịch. Ở đó, những điều tưởng như có thể bị cuốn đi theo những lo toan của cuộc sống thường nhật bỗng được đề cao và trở thành trọng yếu như phẩm giá con người và trách nhiệm với cộng đồng. Đối với tôi, Việt Nam là một quốc gia đáng đến và đáng sống.

Tôi được biết, vợ ông là người Việt Nam, bà đã sinh cho ông 4 người con thành đạt?

- Đó cũng là điều tôi không thể ngờ nhất trong cuộc đời mình. Tôi kết hôn khi mới 23 tuổi với một cô gái Hà thành nền nã, đoan trang và một "tình yêu sét đánh" đủ độ chín.

Giờ tôi đã có "khối tài sản ròng" gồm 1 vợ và 4 con đã thành đạt. Tôi đã phá vỡ kế hoạch hóa gia đình đấy! Nhưng, với người Palestine thì càng có nhiều con càng tốt. Vì chúng tôi hiểu là con đường của chúng tôi còn dài. Tôi nghĩ rằng, Palestine cần có dân số đông để phục vụ cho đất nước mình.

Tự nhận mình là "giai phố cổ", ông có hạnh phúc với cuộc sống hiện tại?

- Giờ đây, hạnh phúc với tôi rất bình dị, chỉ đơn giản là được sống và trải nghiệm những điều nhỏ bé hằng ngày ở Hà Nội. Tôi thích ghé những quán bình dân, ngồi vỉa hè thưởng thức một bát bún…

Ông đang ở tuổi 62, có lẽ đã sắp được nghỉ hưu. Khi tạm biệt sự nghiệp ngoại giao, ông sẽ tiếp tục sống ở Việt Nam hay Palestine? Ông sẽ vẫn tiếp tục làm cầu nối cho Việt Nam với các nước Ả Rập và thế giới chứ?

- Một câu hỏi thật không dễ trả lời, khi với tôi, cả Việt Nam và Palestine đều thiêng liêng, gắn bó và ý nghĩa. Palestine là Tổ quốc, là nơi tôi chôn nhau cắt rốn và trải qua thời niên thiếu. Hơn 40 năm gần như sống xa quê, sẽ tới lúc tôi phải dành thời gian cho Palestine.

Còn Việt Nam là mảnh đất tôi yêu quý và không thể xa rời. Đó là nơi tôi trải qua tuổi trẻ và những năm đẹp nhất trong cuộc đời mình, là nơi tôi tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, là nơi để tôi bắt đầu sự nghiệp…

Hơn thế, tôi vẫn còn rất nhiều kế hoạch, ý tưởng mà sự ràng buộc của công việc bây giờ chưa cho phép thực hiện. Một trong số đó là thành lập trung tâm trao đổi, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước Ả Rập, để cả hai phía cùng có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ và xích lại gần nhau hơn, như ước nguyện đang có ở mỗi quốc gia.

Và sau cuốn "Câu chuyện Việt Nam của tôi", trong tương lai gần, tôi rất muốn viết thêm những cuốn sách khác về những kỷ niệm, suy nghĩ và tình cảm mà tôi dành cho Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Adblock test (Why?)