Nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam Haldun Tekneci trả lời phỏng vấn TTXVN đã bày tỏ sự tin tưởng rằng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tạo ra động lực mới, mang đến cho cả hai nước cơ hội đánh giá và thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.
Đại sứ đánh giá thế nào về chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân tới Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao?
Chúng tôi vui mừng và vinh hạnh được đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Thủ tướng Việt Nam tới Thổ Nhĩ Kỳ. Ý nghĩa lịch sử của chuyến thăm càng được nâng cao khi diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 100 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ và kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia (1978 - 2023).
Mối quan hệ hữu nghị của hai nước chúng ta bắt nguồn từ sự tôn trọng lẫn nhau và người dân Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam chia sẻ nhận thức tích cực về nhau. Bất chấp khoảng cách địa lý xa xôi, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển và đa dạng hóa các kết nối giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam trong những năm qua.
Các mối quan hệ liên quan đến thương mại, kinh tế, xã hội, văn hóa, hợp tác phát triển, giáo dục và du lịch giữa hai nước đã và đang trong quỹ đạo đi lên. Kim ngạch thương mại song phương vượt 2 tỷ USD, cùng sự hiện diện ngày càng tăng của các nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam, các dự án do Cơ quan Hợp tác và Điều phối Thổ Nhĩ Kỳ (TIKA) thực hiện, học bổng Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ cấp cho sinh viên Việt Nam và việc phát sóng nhiều bộ phim truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam đều góp phần vào sự phát triển quan hệ hợp tác hai nước những năm qua.
Chúng tôi tin tưởng rằng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tạo ra động lực mới, mang đến cho cả hai nước cơ hội đánh giá và thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.
Thưa Đại sứ, đâu là điểm nổi bật trong mối quan hệ hai nước 45 năm qua?
Có nhiều điểm nổi bật đặc trưng cho mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Đáng chú ý trong số đó là việc cải thiện quan hệ tương tác, thiết lập các chuyến bay thẳng cho cả hành khách và hàng hóa giữa hai nước cũng như sự thể hiện tình đoàn kết gần đây của Việt Nam sau thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu năm nay.
Dự kiến trong chương trình thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Cevdet Yilmaz, Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus; tiếp một số bộ trưởng, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn của Thổ Nhĩ Kỳ; dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ và thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa, lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ.
Turkish Airlines, Hãng Hàng không quốc gia của chúng tôi duy trì đường bay trực tiếp giữa hai nước thông qua các chuyến bay thường xuyên đến Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh từ Istanbul.
Chúng tôi vui mừng chứng kiến sự hợp tác ngày càng sâu sắc giữa Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và Turkish Airlines. Tôi tin rằng số lượng chuyến bay chở khách và hàng hóa ngày càng tăng sẽ tiếp tục tác động tích cực đến việc tăng cường mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Khi trận động đất dữ dội xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 6/2/2023, Việt Nam đã thể hiện cam kết vững chắc bằng việc đóng góp viện trợ nhân đạo quốc tế và tham gia các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Việt Nam cử một lực lượng lớn (100 cán bộ, chiến sĩ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) tham gia hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ ở một nơi xa bên ngoài lãnh thổ, nhấn mạnh giá trị mà Việt Nam đặt vào mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ và đoàn kết của Việt Nam trong việc giúp Thổ Nhĩ Kỳ giảm nhẹ hậu quả mất mát và tàn phá do thảm họa động đất này gây ra.
Hợp tác kinh tế, thương mại tuy là điểm sáng nhất của quan hệ song phương nhưng những thành tựu đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Vậy theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để hiện thực hóa mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 4 tỷ USD vào năm 2025 mà lãnh đạo hai nước đề ra?
Kim ngạch thương mại của hai nước đã vượt quá 2 tỷ USD trong thập kỷ qua. Để đạt được mục tiêu 4 tỷ USD, thúc đẩy thương mại cân bằng hơn và cùng có lợi, hai nước chúng ta cần đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, thúc đẩy trao đổi đoàn doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới và mở cửa thị trường nội địa cho các sản phẩm bổ sung cho nhau.
Ngoài ra, điều đáng chú ý là sự quan tâm ngày càng tăng của các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ tại thị trường Việt Nam. Ví dụ, liên danh nhà thầu Vietur do Tập đoàn IC Ictas của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu, gần đây đã trúng thầu xây dựng nhà ga hành khách Sân bay Quốc tế Long Thành. Lễ khởi công diễn ra vào đầu tháng 9 năm nay với sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Chúng tôi tin tưởng rằng, các công ty Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, công nghệ và hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) sẽ mở rộng hơn nữa sự hiện diện của họ tại Việt Nam trong tương lai. Đồng thời, chúng tôi cũng khuyến khích và mời gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng với hợp tác kinh tế, hai nước sẽ ưu tiên những lĩnh vực nào để thúc đẩy quan hệ hợp tác, thưa Đại sứ?
Ngoài thương mại và đầu tư, chúng tôi nhận thấy tiềm năng đáng kể và mong muốn khám phá các cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác, bao gồm thủy sản, lâm nghiệp, hàng không, giáo dục, công nghiệp quốc phòng, an ninh, vận tải và logistics.
Trong thập kỷ qua, mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam đã có những bước phát triển vững chắc. Một vài năm trước, chúng tôi đã công bố chính sách hướng Đông với Sáng kiến châu Á mới (Asia Anew Initiative) để tăng cường hơn nữa sự tham gia của chúng tôi với châu Á.
Chúng tôi đã mở rộng sự hiện diện ngoại giao trong khu vực, thiết lập các Đại sứ quán ở mỗi nước thành viên ASEAN. Hơn nữa, chúng tôi đã triển khai Chiến lược tăng cường thương mại với các quốc gia ở vị trí xa (Far countries strategies) để giải quyết tốt hơn những thách thức gặp phải và các cơ hội khi làm việc với các quốc gia có khoảng cách địa lý xa, chẳng hạn như Việt Nam.
Ngoài ra, quan hệ Đối tác đối thoại lĩnh vực giữa Thổ Nhĩ Kỳ và ASEAN, kết hợp với vai trò bổ sung lẫn nhau của Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, mang đến cho chúng ta những hướng đi mới để tăng cường quan hệ.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải cho biết, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ xem nhau là đối tác kinh tế quan trọng, tin cậy, nhiều tiềm năng, và là cửa ngõ để tiếp cận với thị trường khu vực xung quanh. Trong năm 2019 và 2022, Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt công bố "Sáng kiến châu Á mới" và "Chiến lược tăng cường thương mại với các quốc gia ở xa", trong đó đều đề cập tới ASEAN và Việt Nam là đối tác tiềm năng. Với Việt Nam, đề án phát triển quan hệ Việt Nam và khu vực Trung Đông – châu Phi luôn đặt Thổ Nhĩ Kỳ ở vị trí có tầm ảnh hưởng lớn về kinh tế tới khu vực.
Một trong những nội dung chính của chuyến thăm là kinh tế, thương mại. Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ phát biểu khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ - Việt Nam. Việc Thủ tướng tham dự, gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp quan tâm tới Việt Nam, kéo gần hơn cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Đại sứ Đỗ Sơn Hải bày tỏ tin tưởng quan hệ Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có những sự thay đổi về chất trong thời gian tới. Nhiều nội dung hợp tác mới đang được mở rộng, được hai bên trao đổi thường xuyên ở nhiều cấp, trong đó bao gồm hợp tác về an ninh quốc phòng.
Đăng nhận xét