Thủ tướng: Phải thâm nhập thị trường quốc tế sâu hơn hiệu quả hơn

Chiều 3/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước 6 tháng cuối năm 2023 do Bộ Ngoại giao tổ chức.

Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Thủ tướng: Phải thâm nhập thị trường quốc tế sâu hơn, hiệu quả hơn - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước 6 tháng cuối năm 2023 - Ảnh: VGP.

 Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị đánh giá, trong các hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cuộc tiếp xúc, làm việc của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành với các tập đoàn kinh tế trong 6 tháng đầu năm, các nội dung kinh tế được thúc đẩy với nhiều kết quả quan trọng và thực chất, với trên 70 văn kiện được ký kết, thiết lập các khuôn khổ và lĩnh vực mới mang tính đột phá; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hợp tác, thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tích cực tham gia các cơ chế hợp tác đa phương, qua đó mở rộng không gian phát triển, nâng cao vị thế đất nước, thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước; đẩy mạnh hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp theo tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026 làm việc với 9 bộ, ngành, trên 100 hiệp hội, doanh nghiệp lớn nhằm nắm bắt nhu cầu hỗ trợ thúc đẩy hợp tác và tháo gỡ khó khăn. Tiếp tục hỗ trợ thẩm tra, xác minh, tháo gỡ các vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với nước ngoài và các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.

Hội nghị đã nghe Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trình bày các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp thông tin về tình hình của các ngành, lĩnh vực quan trọng, các đề xuất, kiến nghị.

Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, đề nghị có chính sách hỗ trợ phát triển các trung tâm logistics, qua đó hỗ trợ cho chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu Việt Nam; hỗ trợ Hiệp hội tổ chức thành công Đại hội Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải Quốc tế năm 2025 tại Việt Nam…

5 bài học kinh nghiệm về ngoại giao kinh tế

Thủ tướng chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm cần quán triệt, tiếp tục phát huy trong triển khai công tác ngoại giao nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng: (i) Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, kịp thời; (ii) đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết và "dĩ bất biến ứng vạn biến"; (iii) nắm chắc tình hình để tham mưu, đề xuất, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; (iv) làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao, phối hợp hiệu quả, tránh đùn đẩy trách nhiệm; (v) phát huy và khai thác lợi thế trong quan hệ với mỗi nước.

Về các nhiệm vụ cụ thể từ nay đến cuối năm, Thủ tướng lưu ý tổ chức tốt các chương trình đối ngoại của lãnh đạo cấp cao và hoạt động đối ngoại các cấp, đưa nội dung kinh tế tiếp tục trở thành một trọng tâm của các hoạt động đối ngoại; có chương trình, dự án, sản phẩm rất cụ thể, có tính khả thi, rà soát, đôn đốc thường xuyên để đạt hiệu quả, kết quả cụ thể.

"Thúc đẩy ngoại giao kinh tế, thiết thực là phải nâng cao chất lượng sản phẩm; đa dạng hóa thị trường; đa dạng hóa sản phẩm; đa dạng hóa chuỗi ung ứng; thâm nhập thị trường quốc tế sâu hơn và hiệu quả hơn", Thủ tướng nhấn mạnh.

Nghiên cứu, thúc đẩy hình thành các khuôn khổ, cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực mà Việt Nam có lợi ích chiến lược trong giai đoạn hiện nay (như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược; chất bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, nông nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao; hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu...) Vừa qua, Việt Nam đã thiết lập Đối tác kinh tế số, kinh tế xanh với Singapore; các chương trình ODA thế hệ mới với Nhật Bản; thúc đẩy kết nối chiến lược về phát triển và cơ sở hạ tầng với Trung Quốc; Đối tác chiến lược về tài chính xanh với Luxembourg; chuẩn bị ký FTA với Israel, thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện với UAE...

Thủ tướng cũng chỉ đạo các biện pháp, giải pháp cụ thể để tranh thủ mọi cơ hội, thúc đẩy động lực tăng trưởng kinh tế, nhất là về đầu tư và xuất khẩu.

Về xuất khẩu, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố thị trường cho các hàng hóa xuất khẩu chủ lực, các mặt hàng nông sản, rau củ quả đang có tiềm năng phát triển tốt, phát huy hiệu quả các FTA đã ký kết, mở rộng mạng lưới FTA với các đối tác tiềm năng, tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, thâm nhập vào các thị trường mới tiềm năng. 

Cùng với đó, thúc đẩy thu hút FDI chất lượng cao, tranh thủ vốn ODA và vay ưu đãi, kêu gọi, thúc đẩy, thuyết phục các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư, mở rộng vào Việt Nam tập trung vào những lĩnh vực mới nổi như tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, thúc đẩy du lịch với các chính sách visa, xuất nhập cảnh vừa được sửa đổi, tận dụng tối đa thời cơ du lịch quốc tế đang phục hồi mạnh mẽ; thúc đẩy xuất khẩu lao động trong bối cảnh nhiều nước đang thiếu hụt lực lượng lao động sau dịch COVID-19.

Thủ tướng lưu ý nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong triển khai ngoại giao kinh tế, kết nối chặt chẽ giữa ngành ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp trong nước để triển khai nhiệm vụ ngoại giao kinh tế.

Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình thay đổi thì chiến lược, chiến thuật phải thay đổi trên tinh thần khẩn trương, chủ động, kịp thời và hiệu quả, vừa giải quyết các vấn đề trước mắt, vừa tính toán các vấn đề chiến lược, lâu dài, ngay cả khi thuận lợi cũng phải tính tới lúc khó khăn.

Các cơ quan tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất vì lợi ích quốc gia để hành động, quyết liệt hơn, nỗ lực hơn, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, tạo đột phá hơn nữa trong công tác ngoại giao kinh tế, đóng góp hiệu quả, thực chất cho phát triển kinh tế xã hội đất nước thời gian tới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Adblock test (Why?)