Mỹ vui mừng là một phần trong câu chuyện Việt Nam vươn mình lên tầm cao mới

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đã có cuộc gặp gỡ bàn tròn với một số nhà báo nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập đối tác toàn diện giữa hai nước (25/7/2013 – 25/7/2023). Giờ đây hai nước đang hướng tới việc nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới mà Đại sứ Knapper nói ông rất lạc quan chờ đợi. Cùng với các nhà báo, Đại sứ điểm lại quan hệ trong các lĩnh vực.

Mỹ vui mừng là một phần trong câu chuyện Việt Nam vươn mình lên tầm cao mới - Ảnh 1.

Ngày này 10 năm trước - 25/7/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Mỹ và cùng với Tổng thống Barack Obama tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ. Ảnh: Reuters.

Các công ty Mỹ hào hứng tới Việt Nam

* Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đến đây tuần trước đã bày tỏ mong muốn nâng hạng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam và giúp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững. Vậy theo Đại sứ làm thế nào để đạt được điều đó?

- Một trong những thông điệp của Bộ trưởng Yellen khi bà thăm Việt Nam là nói về việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng quan trọng thế nào với Mỹ và  với chính quyền Biden - Harris.

Đây là một phần trong nỗ lực mà ngày nay chúng tôi gọi là friendshore - đặt sản xuất ở quốc gia bằng hữu, nghĩa là tìm ra cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng các mặt hàng quan trọng như chất bán dẫn ở các quốc gia mà chúng tôi chia sẻ lợi ích và mục tiêu.

Tất nhiên chúng tôi tin rằng Việt Nam nên là một phần trong đó. Việt Nam là một điểm nhấn thực sự quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Chúng tôi làm việc với Việt Nam để đảm bảo rằng ở đó, các công ty Mỹ và các công ty khác có thể đầu tư vào các cơ sở mới hoặc tăng thêm đầu tư hiện có.

Những công ty như công ty Mỹ như Onsemi, Amkor Intel - đều là những công ty công nghệ cao, thấy rằng Việt Nam là nơi thích hợp để đầu tư vì có lực lượng lao động tài năng, có học thức.

 Việt Nam đã có một hệ sinh thái gồm các công ty khác ở đây có thể tham gia vào việc mở rộng và đa dạng hóa các loại chuỗi cung ứng này.

Quan hệ Việt – Mỹ là một quan hệ có nhiều khó khăn, nhưng lạc quan, ngày càng đáng tin cậy và hướng về tương lai.

(Đại sứ Marc Knapper)

Sẽ có nhiều hơn các thảo luận giữa hai chính phủ hoặc khu vực tư nhân về việc làm thế nào đảm bảo rằng các quốc gia bạn bè như Việt Nam có thể tham gia nhiều hơn nữa cả về mặt định tính và định lượng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và chuỗi cung ứng chất bán dẫn quan trọng này.

Trong lĩnh vực hàng không, nhà sản xuất máy bay Boeing có một số linh kiện được chế tạo  ở đây. Họ muốn tìm ra cách mở rộng sự hiện diện đó.

Tôi không thể nói về từng công ty riêng lẻ nào, về những điểm mấu chốt trong các yếu tố mà họ  quyết định đầu tư, nhưng tất cả các công ty mà chúng ta gặp ở đây, hoặc tham gia chuyến thăm của Bộ trưởng Ellen hoặc trong các cuộc họp của riêng tôi đều khá bận rộn hỏi về việc đầu tư ở đây.

* Mỹ là quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại. Hai bên có thể hợp tác thế nào trong lĩnh vực này?

- Khi Bộ trưởng Nông nghiệp Tom Vilsack thăm Việt Nam gần đây, ông ấy đã nói về những cách thức hai nước chúng ta có thể hợp tác. Ví dụ, tăng hiệu quả của các trang trại Việt Nam đồng thời phát triển bền vững hơn.

Một trong những nguồn phát thải khí nhà kính mê-tan lớn nhất là sản xuất lúa gạo. Vì vậy chúng tôi đang nỗ lực hợp tác với Việt Nam để giảm lượng khí nhà kính hiện đang được thải ra qua canh tác.

Hoặc  hợp tác để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu với nuôi trồng thủy sản, chẳng hạn như nuôi tôm. Chúng ta đã thấy sự nhiễm mặn gia tăng của ở đồng bằng sông Cửu Long do nước biển. Đây là một thách thức đối với nông dân hoặc nuôi thủy sản.

Một số công ty nông nghiệp lớn nhất của Mỹ, chẳng hạn như Cargill, họ  đang làm việc trực tiếp với khách hàng Việt Nam và các đối tác để đảm bảo rằng các bạn có thể có những  công nghệ cao nhất trong canh tác nuôi trồng.

Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến tất cả chúng ta và vì vậy hy vọng rằng sự đổi mới ở một quốc gia có thể giúp ích cho quốc gia kia khi giải quyết các tác động của lũ lụt, biến đổi khí hậu…

Mỹ vui mừng là một phần trong câu chuyện Việt Nam vươn mình lên tầm cao mới - Ảnh 3.

Đại sứ Knapper cho rằng rất đáng tự hào về quan hệ hợp tác hai nước trong 10 năm đối tác toàn diện. Ảnh: M.H.

Mối quan hệ tin cậy, chủ động

* Đại sứ có thể nói rõ hơn về hợp tác an ninh, vốn được xem như một lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước, hơn nữa gần đây đã xảy ra vụ tấn công khủng bố vào 2 trụ sở công an xã ở Đắk Lắk, trong đó Bộ Công an đã nói rõ có nghi phạm là thành viên từ một tổ chức tại Mỹ?

- Về những gì đã xảy ra ở Đắk Lắk, Mỹ không bao giờ dung thứ cho những gì đã xảy ra, khi có bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng tôi gửi lời chia buồn tới gia đình của những người đã thiệt mạng trong vụ việc đó và lên án bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất có thể về những gì đã xảy ra và việc sử dụng các phương tiện bạo lực

Và đó là lý do cho hợp tác an ninh, hợp tác thực thi pháp luật. Đây là lĩnh vực mà chúng tôi cũng như Việt Nam đã được hưởng lợi rất nhiều trong những năm qua từ mối quan hệ hợp tác ngày càng sâu sắc giữa Bộ Công an và các cơ quan của Mỹ như FBI, Cục Phòng chống Ma túy và các cơ quan khác. 

Khi tôi mới bắt đầu làm việc ở đây vào năm 2004, hai bên đã có một số hợp tác trong lĩnh vực thực thi pháp luật nhưng không  nhiều. Nhưng nếu nhìn tiếp, gần 20 năm qua, chúng tôi đã làm việc với Việt Nam, cùng nhau giải quyết mọi vấn đề từ đối phó với các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia  như buôn bán người, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, đến hợp tác để đảm bảo rằng Việt Nam hoặc Mỹ sẽ không trở thành điểm trung chuyển hoặc nguồn hoặc điểm đến của ma túy. 

Đây là tất cả các lĩnh vực mà chúng ta đã hợp tác rất chặt chẽ trong nhiều năm và thực sự đã phát triển một mối quan hệ khá tin cậy và chủ động.

Liên quan đến những gì xảy ra ở Đắk Lắk, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với chính phủ Việt Nam để cố gắng tìm hiểu thêm về những gì đã xảy ra, ai đứng sau nó. Đây là một thông điệp sẽ được gửi đi rất nhanh chóng, và nếu thực sự có một nghi phạm từ Mỹ thì đây là điều chúng tôi hoàn toàn lên án và không hề dung thứ theo bất kỳ cách nào

* Hợp tác quốc phòng giữa hai bên diễn ra như thế nào sau chuyến thăm gần đây của tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan tới Việt Nam?

- Đây là chuyến thăm thứ ba của tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc, Kế hoạch đã diễn ra rất suôn sẻ và được chào đón nồng nhiệt. Chuyến thăm cho thấy việc tàu sân bay Mỹ hoặc các lãnh đạo khác của Mỹ đến Việt Nam và tham gia các hoạt động để hiểu biết sâu sắc hơn là điều rất thường xuyên.

Các thủy thủ và sĩ quan trên các tàu tham gia vào các hoạt động cộng đồng và công việc tình nguyện, những buổi biểu diễn hòa nhạc, hoạt động thể thao.

Điều này thể hiện cam kết của Mỹ trước hết là có một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời đảm bảo rằng các quốc gia có thể thực hiện và có quyền tự do hàng hải, tự do hàng không ở Biển Đông.  Chuyến thăm thể hiện Mỹ cam kết  thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh. Chúng tôi muốn cho những người bạn của mình như Việt Nam thấy rằng chúng tôi thực sự ở đây, cam kết thực hiện các mục tiêu chung của mình trong lĩnh vực này.

Hiện tại chúng ta có một mối quan hệ quốc phòng rất mạnh mẽ. Chúng tôi rất hài lòng với công việc chúng tôi làm với Việt Nam nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam.

Hy vọng rằng các cuộc đối thoại trong tương lai không chỉ giữa khu vực tư nhân, mà cả chính phủ Mỹ sẽ tìm cách để chúng tôi có thể tham gia vào nỗ lực mà Việt Nam đã đặt ra để đa dạng hóa, hiện đại hóa hệ sinh thái quốc phòng của đất nước.

(Đại sứ Marc Knapper)

Vì thế chúng tôi  cung cấp tàu có độ bền cao cho Cảnh sát biển để giúp Việt Nam bảo vệ lợi ích hàng hải và tài nguyên thiên nhiên của mình. Cho dù đó là hỗ trợ về cơ sở đào tạo, cơ sở sửa chữa tàu, chúng tôi cam kết đảm bảo rằng Việt Nam có những khả năng cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình, bởi vì đây là những lợi ích mà chúng ta chia sẻ.

Chúng tôi tin tưởng vào tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển LHQ 1982, chúng tôi phản đối bất kỳ quốc gia nào tìm cách áp đặt ý chí của mình lên các quốc gia khác trong khu vực.

Thương mại quốc phòng là một lĩnh vực hợp tác khác. Một số  công ty quốc phòng lớn nhất của Mỹ đã tham gia Triển lãm Quốc phòng Việt Nam 2022 vì chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ vào mục tiêu đa dạng hóa, hiện đại hóa của chính Việt Nam, khả năng phòng thủ của Việt Nam. Các  công ty lớn của Mỹ  muốn trở thành một phần của điều này. 

Mỹ vui mừng là một phần trong câu chuyện Việt Nam vươn mình lên tầm cao mới - Ảnh 5.

Những mục tiêu trong tầm tay Việt Nam

* Đã có nhiều đánh giá lạc quan về triển vọng phát triển của Việt Nam. Với những quan sát và những gì ông đã làm một năm rưỡi qua, theo ông cơ sở cho những đánh giá đó là gì?

- Tôi nghĩ lý do khá đơn giản. Việt Nam có một lực lượng lao động chất lượng cao, được giáo dục tốt, làm việc chăm chỉ. Cả khu vực tư nhân và chính phủ Mỹ muốn trở thành một phần trong câu chuyện về cách chúng tôi có thể làm việc với Việt Nam để giúp các bạn đạt mục tiêu của mình.

Cho dù đó là mục tiêu trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, có nền kinh tế kỹ thuật số vào năm 2030 hay đạt mức phát thải carbon  bằng 0 vào năm 2050, đây đều là những mục tiêu cực kỳ tham vọng, nhưng cũng là những mục tiêu nằm trong tầm tay, và tôi nghĩ  nếu bất kỳ quốc gia nào làm được thì Việt Nam cũng có thể làm được.

Sự hợp tác mà Mỹ đang thực hiện với Việt Nam, cho dù đó là thúc đẩy giáo dục, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, chuyển đổi kỹ thuật số, giúp nâng cao kỹ năng  cho người lao động Việt Nam để trở thành lực lượng lao động công nghệ cao của thế kỷ 21, tất cả nhằm giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu đó.

Theo nghĩa này,  một lần nữa, chúng ta là đối tác tự nhiên. Và tất cả điều này đang xảy ra rất tự nhiên, rất hữu cơ. Và đây là lý do tại sao tôi rất tin tưởng vào tình hữu nghị và mối quan hệ giữa chúng tôi và Việt Nam, những gì chúng ta đang làm rất đáng khen ngợi và mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia.

Chúng tôi rất vui mừng khi được trở thành một phần trong câu chuyện Việt Nam vươn mình lên một tầm cao mới.

* Điều gì chúng ta có thể làm tốt hơn trong quan hệ hai nước?

- Về mặt giáo dục, chúng tôi muốn thấy nhiều thanh niên Mỹ đến đây hơn cũng như có thể có thêm nhiều người Việt trẻ tới Mỹ.

Trong lĩnh vực năng lượng, có một số dự án mà các công ty Mỹ muốn tham gia có thể không tiến triển nhanh như mong đợi. Vì thế tôi mong muốn các loại quy định và các phê duyệt khác  nhanh hơn một chút, bởi vì có rất nhiều khoản đầu tư đang háo hức đến Việt Nam.  Nếu làm được những điều đó cả hai bên sẽ rất có lợi.

* Thông điệp của Đại sứ trong dịp 10 năm là gì?

Mọi thứ mà chúng ta đã cùng nhau hoàn thành trong 10 năm, 28 năm qua là niềm tự hào to lớn. Nhưng thực sự trong 10 năm qua, chúng ta đã chứng kiến mối quan hệ đã tăng tốc  để tới một quỹ đạo đạt đến tầm cao mới như vậy trong các lĩnh vực đa dạng.

Tôi hoàn toàn kỳ vọng rằng 10 năm tới, 20 năm tới chúng ta sẽ tiếp tục thấy sự tăng trưởng này, quỹ đạo tích cực này.

(Đại sứ Marc Knapper)

Nhưng chúng ta không nên ngủ quên trên vòng nguyệt quế của mình. Đây là một cột mốc lịch sử. Nhưng sẽ có những cột mốc trong tương lai mà chúng ta nên hướng tới trong những năm tới.

Chúng ta có rất nhiều để tôi có thể lạc quan, nhưng chúng ta chắc chắn nên tạm dừng nhân dịp kỷ niệm 10 năm này để nhìn lại nơi chúng ta đã bắt đầu. Đó là điều mà hai nước nên vô cùng tự hào.

Đây là một sự kiện rất hiếm, rất hiếm trong lịch sử đối với hai quốc gia như Mỹ và Việt Nam, để trải nghiệm những gì chúng ta đã làm và đạt được. Điều đó thực sự rất ý nghĩa và phải có  thiện chí và lòng dũng cảm mà mọi người ở cả hai bên đã thể hiện để đưa chúng ta đến vị trí ngày hôm nay.

Chắc chắn sẽ luôn có  những thách thức. Hai quốc gia càng trở nên gần gũi thường xuyên thì càng có thể có nhiều bất đồng. Nhưng  giống như chúng ta đã cố gắng trong nhiều năm để đối phó với những thách thức khác, tôi tin tưởng rằng thiện chí và tình bạn mà chúng ta đã xây dựng sẽ tiếp tục cho phép chúng ta nói chuyện thẳng thắn và cởi mở,  để có thể xử lý các thách thức theo cách có lợi cho mối quan hệ của hai nước.

* Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch trước đây từng nói Việt Nam là một đất nước, không phải là một cuộc chiến. Sau 3 thập kỷ thì nhận thức của người Mỹ về Việt Nam như thế nào?

- Chắn rằng điều này mang tính thế hệ, Mọi người, thế hệ của tôi, thế hệ cha mẹ tôi, thật không may, đã trải qua cuộc chiến tranh ở Việt Nam mà họ không muốn thấy.

Nhưng những người ở độ tuổi con trai tôi hoặc nhỏ hơn, điều đó chắc chắn đang thay đổi. Người Mỹ rất quen thuộc với ẩm thực tuyệt vời của Việt Nam, những địa điểm du lịch tuyệt đẹp tại đây, lòng hiếu khách nồng hậu của người Việt Nam…

Nhưng tôi nghĩ vẫn còn nhiều việc phải làm, vẫn cần nỗ lực. Vì vậy, có một tổ chức ở Hoa Kỳ được gọi là Hội Việt Nam. Đó là tổ chức rất trẻ, nhưng họ có mục tiêu rất mạnh mẽ và xứng đáng để giúp người dân Mỹ hiểu rằng Việt Nam không phải là một cuộc chiến tranh mà là một đất nước có bề dày lịch sử, có truyền thống ẩm thực, nghệ thuật.

Vì vậy, tôi tìm đến các tổ chức như Hội Việt Nam và các tổ chức khác để giúp thúc đẩy sự hiểu biết và mối quan hệ giữa con người với con người, để hiểu Việt Nam đang ở đâu vào năm 2023. Việt Nam không chỉ được nhìn thấy từ một bộ phim chiến tranh hay thứ gì đó tương tự. Và đó cũng là một phần công việc của tôi.

Adblock test (Why?)