Theo Defence, phân tích hình ảnh vệ tinh cho thấy địa điểm triển khai tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander của Belarus mà Minsk nhận vào tháng 2/2023 từ Nga. Các hệ thống tên lửa này cùng với máy bay Su-25 được điều chỉnh đặc biệt để mang đầu đạn hạt nhân, là tài sản được tất cả các quốc gia lân cận, đặc biệt là các nước thành viên NATO gần Belarus cực kỳ quan tâm, trong đó vị trí triển khai chúng là một thông tin quan trọng.
Các chuyên gia của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ đã phân tích các bức ảnh vệ tinh do Maxar cung cấp và phát hiện các hệ thống Iskander đóng tại căn cứ quân sự gần thị trấn Asipovichy, cách Bobruisk 40km ở miền trung nước này. Đây là căn cứ triển khai thường trực của Lữ đoàn tên lửa 465 của lực lượng vũ trang Belarus.
Việc xây dựng các nhà chứa máy bay cho tên lửa Iskander bắt đầu vào tháng 10/2022, hoàn thành vào tháng 4/2023. Hình ảnh từ ngày 4/7 cho thấy bốn phương tiện vận chuyển-dựng-bệ phóng, một trong số chúng có khoang tên lửa đã mở, cùng với hai phương tiện khác, rất có thể là xe chỉ huy di động 9S552.
Ngoài ra, các nhà phân tích cho rằng vị trí này cũng chỉ ra nơi có thể chứa các đầu đạn hạt nhân cho các hệ thống Iskander. Cách nơi đó chỉ 10km là Căn cứ đạn dược pháo binh thứ 1405 ở làng Vialikaja Haroza của Belarus.
Điều này có nghĩa là Belarus sau cùng đã quyết định không khôi phục Gomel-30 – căn cứ trung tâm cất giữ vũ khí hạt nhân thời Liên Xô, nằm ở ngôi làng Zarechie khá đông dân cư. Đây là cơ sở đáp ứng tất cả các yêu cầu an toàn cho kho chứa vũ khí hạt nhân, tuy nhiên, nó đã bị lãng quên và bỏ hoang.
Mặt khác, Gomel-30 chỉ cách biên giới Ukraine 73km, vì vậy quyết định không khôi phục một cơ sở quan trọng quá gần các lãnh thổ thù địch là hợp lý.
Ngược lại, Căn cứ đạn dược pháo binh 1405 và căn cứ Lữ đoàn tên lửa 465 cách Ukraine 200km, cách Litva 240km và cách Ba Lan 325km. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là vị trí đó an toàn trước một cuộc tấn công tiềm ẩn.
Chẳng hạn, Litva đã thông báo vào năm 2022 rằng họ sẽ xem xét việc mua các hệ thống tên lửa HIMARS và ATACMS. Đổi lại, Ba Lan có tên lửa hành trình AGM-158A JASSM với tầm bắn 370km đang phục vụ trong Không quân nước này, đồng thời nước này cũng đang tìm kiếm một loại JASSM-XR nâng cấp có tầm bắn xa tới 1.900km.
Đăng nhận xét