Nông dân Ukraine 'mất ăn mất ngủ' lo sợ điều tồi tệ nhất khi thỏa thuận ngũ cốc sụp đổ

Nông dân ở Ukraine thiệt hại nặng nề 

Đối với ông Kees Huizinga, người đã chuyển từ quê hương Hà Lan đến làm trang trại ở miền trung Ukraine vào năm 2003, việc Moscow từ chối gia hạn thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen đã khiến tình hình tài chính của ông, vốn đã kiệt quệ vì chiến tranh tiếp tục trở thành thảm họa.

"Chúng tôi có ít dự trữ ngũ cốc để có thể tồn tại trong một tháng hoặc lâu hơn, nhưng nếu chúng tôi không thể bán chúng thì đó sẽ là một thảm họa", ông Huizinga nói với Reuters tại trang trại rộng 15.000 ha của mình ở một ngôi làng trên những ngọn đồi thoai thoải và đồng bằng bằng phẳng xanh tươi của vùng Cherkasy ở miền trung Ukraine.

Nông dân Ukraine 'mất ăn mất ngủ' lo sợ điều tồi tệ nhất khi thỏa thuận ngũ cốc sụp đổ - Ảnh 1.

Nông dân Kees Huizinga phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Reuters tại một trang trại gần làng Kyshchentsi, vùng Cherkasy, Ukraine ngày 18 tháng 7 năm 2023. Ảnh Reuters.

Ukraine là nước xuất khẩu ngũ cốc và dầu hướng dương lớn, tới cả các quốc gia Trung Đông và châu Phi. Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 7/2022 được thiết kế để cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen bất chấp sự phong tỏa của Nga và để chống lại cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Xuất khẩu nông sản rất quan trọng đối với nền kinh tế Ukraine, chiếm khoảng 12% tổng sản phẩm quốc nội và khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu trước chiến tranh.

Trong số 60.000 tấn sản phẩm được trồng trên cánh đồng của ông Huizinga năm ngoái, 50.000 tấn đã được xuất khẩu ra nước ngoài thông qua thỏa thuận ngũ cốc.

Tổng cộng, Ukraine đã có thể xuất khẩu 33 triệu tấn nông sản thông qua thỏa thuận này.

Huizinga cho biết, việc xuất khẩu nông sản của ông sẽ không thể thực hiện được nếu không có sáng kiến Biển Đen.

Người nông dân Hà Lan, trồng 7 loại cây trồng chính bao gồm lúa mì và hoa hướng dương, ước tính chiến tranh đã khiến ông thiệt hại từ 3 đến 6 triệu USD vào năm 2022 và có thể mất thêm 6 triệu USD nữa trong năm nay.

Ông Huizinga cho biết thêm rằng rằng khi chiến tranh bùng nổ, ông bán 1 tấn lúa mạch chỉ bằng một nửa giá mà nông dân Tây Âu bán trong khi chi phí vận chuyển tăng mạnh.

Nợ nần chồng chất, lo sợ phải đóng cửa doanh nghiệp

Ông Huizinga đã buộc phải vay nợ để trang trải chi tiêu.

“Một số nông dân có nhiều nguồn lực hơn sẽ tồn tại lâu hơn trong khi những nông dân có ít nguồn lực có thể sẽ phải bán hoặc đóng cửa doanh nghiệp hoặc giao nó cho người khác", ông Huizinga chia sẻ.

Hiện con đường chính còn lại để vận chuyển nông sản ra khỏi Ukraine là sông Danube, chạy dọc theo biên giới phía tây nam của Ukraine với Romania.

Nhưng một số nước láng giềng phía tây của Ukraine đã hạn chế nhập khẩu ngũ cốc của nước này dưới áp lực từ nông dân nước  họ vì sự cạnh tranh gia tăng.

Denys Marchuk, Phó chủ tịch Hội đồng Nông nghiệp Ukraine, tổ chức kinh doanh nông nghiệp lớn nhất của đất nước đã ước tính rằng các cảng sông Danube của Ukraine có thể vận chuyển 3 triệu tấn nông ản mỗi tháng, gần như không đủ để đáp ứng tiềm năng xuất khẩu của nước này.

Ukraine dự kiến thu hoạch 44 triệu tấn ngũ cốc trong năm nay, giảm so với mức thu hoạch kỷ lục 86 triệu tấn vào năm 2021.

Một trong những công nhân nông trại của Huizinga tên là Yuriy, gần đây đã vận chuyển lúa mạch mới thu hoạch xuống kho ở Izmail, một thị trấn phía nam, nơi có một trong những cảng sông cho biết, những người trông kho đã rất ngạc nhiên khi thấy lúa mạch 2023 cập bến, vì họ vẫn còn một lượng lớn lúa mạch vụ năm ngoái chưa được vận chuyển.

Cả Marchuk và Huizinga đều tin rằng, các chuyến hàng ngũ cốc nên tiếp tục đi qua Biển Đen ngay cả khi không có sự tham gia của Nga trong thỏa thuận. Liên Hợp Quốc cho biết các ý tưởng đang được đưa ra nhằm cố gắng giúp vận chuyển ngũ cốc Ukraine ra thị trường toàn cầu.

Adblock test (Why?)