Theo Pravda, viết trên Twitter, Tổng thư ký Stoltenberg tuyên bố: "Tôi lên án quyết định đơn phương của Nga khi rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, bất chấp những nỗ lực của đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ của chúng tôi và Liên Hợp Quốc. Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đang tiếp tục gây hại cho hàng triệu người dễ bị tổn thương trên khắp thế giới".
Tuyên bố của ông Stoltenberg được đưa ra sau khi vào ngày 17/7, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố, Moscow đã quyết định đình chỉ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Nga cũng tuyên bố rút lại các đảm bảo an ninh hàng hải theo Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, đã hết hiệu lực vào Thứ 2 ngày 17/7.
Theo ông Peskov, quyết định ngừng tham gia thỏa thuận ngũ cốc hoàn toàn không liên quan đến vụ tấn công cầu Crimea ngày 17/7 vì trước đó Nga đã nhiều lần đưa ra lập trường về việc gia hạn thỏa thuận này.
"Như Tổng thống Nga đã tuyên bố trước đó, thỏa thuận hết hiệu lực vào ngày 17/7. Đáng tiếc phần thỏa thuận liên quan đến Nga vẫn không được thực hiện. Vì vậy hiệu lực của thỏa thuận chấm dứt", ông Peskov nói và nhấn mạnh thêm rằng, ngay khi phần liên quan đến Nga trong thỏa thuận được thực hiện, phía Nga sẽ ngay lập tức quay trở lại thực hiện Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova cũng cho biết Moscow đã chính thức thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên Hợp Quốc về việc không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc.
Ngoài Tổng thư ký NATO, Ukraine, Mỹ và nhiều nước phương Tây cũng đã nhanh chóng lên án quyết định đình chỉ thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen của Nga.
Nhà Trắng nói rằng việc Nga đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc sẽ làm trầm trọng thêm an ninh lương thực và gây hại cho hàng triệu người. “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Nga ngay lập tức đảo ngược quyết định của mình”, Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Adam Hodge nhấn mạnh.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố, bà mạnh mẽ lên án việc Nga rút khỏi thỏa thuận bất chấp những nỗ lực dàn xếp của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trên Twitter, Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra đã chỉ trích Nga vũ khí hóa lương thực. “Thật đáng thất vọng khi Nga cản trở quá trình gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Việc gia hạn thỏa thuận là rất quan trọng để ngăn chặn giá lương thực tăng cao và tránh gây bất ổn thị trường”, ông Hoekstra nhấn mạnh.
Người phát ngôn chính phủ Đức Christiane Hoffmann cho biết Đức đang kêu gọi Nga quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen với Ukraine. "Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Nga cho phép gia hạn thỏa thuận ngũ cốc. Xung đột không nên được tiến hành sau lưng những người nghèo nhất trên hành tinh này", bà Hoffmann nói.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, một người đóng vai trò quan trọng trong việc dàn xếp thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen cho biết, các ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ thảo luận về thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên sẽ đạt được tiến triển về vấn đề này.
Người phát ngôn của Tổng thống Ukraine, ông Serhiy Nykyforov, dẫn lời Tổng thống Volodymyr Zelensky cho hay cần phải làm mọi thứ để tiếp tục sử dụng hành lang xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen. "Ngay cả khi không có Liên bang Nga, mọi thứ đều phải được thực hiện để chúng ta có thể sử dụng hành lang Biển Đen... Các công ty, chủ tàu đều tiếp cận chúng tôi. Họ nói rằng họ sẵn sàng, nếu Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục để họ tiến hành hoạt động giao thương thì mọi người cũng sẵn sàng tiếp tục cung cấp ngũ cốc", ông Nykyforov dẫn lời Tổng thống Zelensky tuyên bố.
Đăng nhận xét