Lãnh đạo hai bên cũng đẩy mạnh các hoạt động tiếp xúc, trao đổi cấp cao, đặc biệt giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab tại Hội nghị WEF Thiên Tân (tháng 6/2023), Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 41 (tháng 11/2022) và lần thứ 43 (tháng 9/2023). Trong tuần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dự Hội nghị WEF Davos từ 16-18/1.
Việt Nam và WEF đã phối hợp tổ chức nhiều Hội nghị quan trọng.
Đối thoại Chiến lược quốc gia (CSD) giữa Việt Nam và WEF lần thứ nhất (ngày 29/10/2021) được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo”. Đối thoại được nhận định là đối thoại chiến lược quốc gia thành công nhất mà WEF phối hợp với một quốc gia tổ chức, cả về cấp tham dự, nội dung, thời điểm và công tác tổ chức.
Tại Hội nghị WEF Thiên Tân 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược quốc gia lần thứ 2 (26/6/2023) với chủ đề “Thúc đẩy động lực tăng trưởng mới để kiến tạo tương lai đất nước”.
Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội từ ngày 11-13/9/2018, Hội nghị WEF – Mê Công lần đầu tiên ngày 25/10/2016 tại Hà Nội và Hội nghị WEF Đông Á từ 6-7/6/2010 tại Tp. Hồ Chí Minh.
Hợp tác cụ thể giữa WEF và các Bộ, ngành Việt Nam
Ngày 26/6/2023, tại Hội nghị WEF Thiên Tân, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam – WEF giai đoạn 2023-2026 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab, là nền tảng quan trọng thúc đẩy hợp tác hai bên trong giai đoạn mới. MOU tập trung vào hợp tác trong 6 lĩnh vực gồm: (i) Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực lương thực thực phẩm; (ii) Phát triển kỹ năng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh; (iii) Cụm công nghiệp hướng tới phát thải ròng bằng 0; (iv) Thúc đẩy các hành động về nhựa, bao gồm Chương trình hành động đối tác toàn cầu về nhựa (GPAP); (v) Tài chính cho chuyển đổi năng lượng tái tạo; (vi) Hợp tác chuyển đổi số và thúc đẩy thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR). Một số dự án hợp tác cụ thể đang được thúc đẩy gồm:
Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư
Ngày 15/9/2023, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và WEF đã ký kết Tuyên bố chung hợp tác, trong đó có việc thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm C4IR tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là một phần trong mạng lưới toàn cầu của WEF, tăng cường hợp tác với các Trung tâm C4IR trên thế giới để hỗ trợ việc đề xuất giải pháp và kiến nghị chính sách, nghiên cứu trên các lĩnh vực ưu tiên đột phá của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung, huy động nguồn lực, vốn, hỗ trợ Chính phủ và doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới phù hợp với xu thế quốc tế. Dự kiến, Biên bản Thỏa thuận đối tác thành lập Trung tâm C4IR sẽ được hai bên ký kết nhân dịp Hội nghị WEF Davos 2024.
Phát triển kỹ năng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh
Bộ LĐTBXH đang phối hợp cùng WEF xây dựng Ý định thư về việc tham gia của Việt Nam vào “Sáng kiến Mạng lưới toàn cầu tăng tốc thu hẹp khoảng cách kỹ năng”, hướng đến mục tiêu ký kết nhân dịp Hội nghị thường niên WEF Davos năm 2024. Sáng kiến do WEF đề xuất, đã được triển khai tại 35 quốc gia, trong đó có hai nước Đông Nam Á là Thái Lan và Campuchia. Mục tiêu của Sáng kiến là tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động; đồng thời hình thành các kênh trao đổi thông tin thường xuyên về giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng của Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới.
Thúc đẩy các hành động về nhựa, bao gồm Chương trình hành động đối tác toàn cầu về nhựa (GPAP)
Trên cơ sở MOU giữa Việt Nam và WEF giai đoạn 2023-2026, Bộ Tài nguyên và Môi trường và WEF đã trao đổi và dự thảo Bản ghi nhớ hợp tác thực hiện Chương trình đối tác hành động về nhựa (NPAP). Bản ghi nhớ hợp tác thực hiện NPAP là hoạt động NPAP giai đoạn 2, được triển khai trên cơ sở kết quả chương trình NPAP giai đoạn 1 (năm 2020), nhằm tăng cường hợp tác giữa các bên để hỗ trợ thực hiện việc tham gia của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương về giảm thiểu và chấm dứt ô nhiễm nhựa, tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng kiến nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn tiến tới phát triển bền vững. Bản ghi nhớ hợp tác NPAP đã được ký kết nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Hành động vì Khí hậu toàn cầu COP28 (UAE, 01-02/12/2023).
Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực lương thực - thực phẩm
Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo lương thực – thực phẩm Việt Nam: Trung tâm có mục tiêu mở rộng quy mô và thúc đẩy chuyển đổi hệ thống thực phẩm và nông nghiệp, đưa Việt Nam trở thành nhà cung cấp hàng đầu các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, xanh, bền vững và ít phát thải, góp phần triển khai Quyết định số 300/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2023. Hiện nay, dự án đang tập trung vào đầu tư và phát triển giống gạo ít phát thải, dự kiến sẽ tác động đến 1,5 triệu hộ canh tác. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy sáng kiến này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số 5430/QĐ-BNN-HTQT ngày 19/12/2023 phê duyệt Đề án thành lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm tại Việt Nam.
Đăng nhận xét