Đặc công Nga chuẩn bị phá hủy thiết bị nổ được tìm thấy khi tuần tra ở vùng Zaporizhzhia. Ảnh Sputnik.
Trong một bài báo được đăng tải trên RT, ông Petr Lavrenin, nhà báo chính trị sinh ra ở Odessa kiêm chuyên gia về Ukraine và Liên Xô cho biết, từ tháng 2 năm ngoái, khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, các vụ nổ mìn đã giết chết khoảng 200 dân thường ở Ukraine đồng thời làm hàng trăm người khác bị thương.
Liên Hợp Quốc đã gọi Ukraine là quốc gia bị rải mìn nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, mìn trên bề mặt cũng như trong lòng đất Ukraine vẫn tiếp tục gia tăng khi cuộc xung đột còn lâu mới kết thúc. Việc rải thêm các loại chất nổ có thể gây ra hậu quả tai hại cho các thế hệ tương lai ở Ukraine.
Cạm bẫy chết người
Các báo cáo chính thức tuyên bố rằng 250.000 km2 lãnh thổ Ukraine bị ô nhiễm bởi các loại chất nổ chết người. Diện tích này tương đương với diện tích toàn bộ Vương quốc Anh (244.000 km2). Thủ tướng Denis Shmigal tuyên bố, đất nước của ông đã trở thành bãi mìn lớn nhất thế giới. Điều này thậm chí đã thúc đẩy chính phủ thành lập một trung tâm đặc biệt để đối phó với bụi phóng xạ.
Các chuyên gia tin rằng tình hình ô nhiễm bom mìn ở Ukraine thậm chí tồi tệ hơn ở Afghanistan và Syria. Người ta ước tính có hàng triệu bom mìn, đạn chống bộ binh, chống tăng và các loại bom mìn, đạn chưa nổ trên bề mặt và trong lòng đất Ukraine.
Các bãi mìn của Ukraine đang phát triển theo cấp số nhân. Bom mìn thường được đặt rải rác và không có bản đồ, làm phức tạp rất nhiều cho quá trình tìm kiếm và vô hiệu hóa chúng, Maxim Semenov, một nhà phân tích chính trị kiêm chuyên gia tại xung đột trong không gian hậu Xô Viết nói với RT.
Đối với các khu vực bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, điều này cũng tạo ra những vấn đề to lớn trong quá trình chuyển đổi sang cuộc sống thời bình.
“Các bãi mìn ảnh hưởng đến cả lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và cơ sở hạ tầng. Các lực lượng vũ trang Ukraine thậm chí còn chôn mìn bên trong các cơ sở dân sự, chẳng hạn như ở Mariupol, nơi đặc công Nga vẫn đang dọn dẹp chất nổ tại các nhà máy, tòa nhà dân cư và tòa án", chuyên gia này nói thêm.
Nói cách khác, công việc dọn sạch bom mìn ở Ukraine có thể mất nhiều thập kỷ.
Những khu vực ảnh hưởng nặng nề nhất
Một năm trước, các vùng Kiev, Kharkov, Chernigov và Sumy (phía bắc và phía đông của Ukraine) là những khu vực bị ô nhiễm bom mìn nặng nề nhất. Nhưng bây giờ, đó là khu vực phía đông và phía nam.
“Chúng tôi hiện đang hoạt động tích cực nhất ở vùng Kherson. 8.000 km2 cần được rà phá bom mìn, trong đó 7.000 km2 ở vùng Kherson và khoảng 1,5 nghìn km2 ở vùng Nikolaev”, ông Sergey Kruk, người đứng đầu Cơ quan Khẩn cấp Nhà nước Ukraine cho biết vào tháng 11 năm ngoái.
Không thể chờ đợi sự giúp đỡ của chính phủ và quân đội, ông Oleksandr Havriluk - một nông dân Ukraine tự bới mìn phá xe tăng trên cánh đồng của mình. Ảnh CNN
Mức độ nguy hiểm cao nhất vẫn là vùng Donbass. Lãnh thổ này rải đầy bom mìn kể từ khi bắt đầu xung đột vũ trang vào năm 2014. Ngư dân và trẻ em thường xuyên trở thành nạn nhân của mìn ở Lugansk, và những người hái nấm cũng chịu chung số phận gần Slaviansk.
Những trận chiến đẫm máu nhất hiện đang diễn ra ở Donbass, khiến nơi đây trở thành một trong những khu vực bị rải bom mìn nhiều nhất trên hành tinh. Các đặc công của Lực lượng Vũ trang Nga tin rằng, khu vực này sẽ vẫn còn nguy hiểm đối với nhiều thế hệ cư dân.
Mức độ nguy hiểm cao cũng vẫn tồn tại dọc theo chiến tuyến hiện tại từ Kharkov đến các vùng Zaporozhye, cũng như dọc theo đường liên lạc ở vùng Kherson.
Di sản khủng khiếp ngay cả khi chiến tranh kết thúc
Mỗi ngày là một thử thách của số phận đối với thường dân ở Ukraine. Nguy hiểm tiềm ẩn khắp mọi nơi. Những người nông dân được cho là gặp rủi ro lớn hơn vì những bãi mìn vô tận từng là cánh đồng trù phú. Khi quay trở lại canh tác, mỗi bước đi có thể là bước cuối cùng của họ.
Ngoài ra, việc nông dân không thể canh tác trên đồng ruộng vì bom mìn đang gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho nông nghiệp, một trong những lĩnh vực chính của nền kinh tế Ukraine.
Trước khi bùng nổ chiến sự, Ukraine chiếm gần 10% thị trường ngũ cốc thế giới. Đất nước này cũng là một trong những nhà sản xuất hạt hướng dương, ngô và các loại ngũ cốc khác thuộc hàng lớn nhất thế giới.
Dựa trên phân tích các hình ảnh vệ tinh, năm ngoái, công ty công nghệ vũ trụ Maxar của Mỹ đã kết luận rằng, Ukraine có thể chỉ đạt được một nửa sản lượng thu hoạch ngũ cốc so với thông thường. Năm 2022, nông dân gặt hái ít hơn 30% so với năm 2021. Năm 2023, sản lượng thu hoạch ngũ cốc và cây họ đậu của nước này ước tính sẽ giảm thêm 17% so với năm ngoái.
“Ở vùng Kherson, thật không may, hầu hết các vùng lãnh thổ đều bị rải bom mìn. Các cánh đồng bị đạn pháo tàn phá cũng sẽ mất thời gian dài để rà phá bom mìn chưa nổ", ông Dmitry Solomchuk, thành viên của Ủy ban Quốc hội Ukraine về Chính sách đất đai và nông nghiệp cho biết vào tháng 3 năm nay.
Ước tính khoảng một triệu ha đất nông nghiệp của Ukraine đang bị ô nhiễm bom mìn và vật liệu chưa nổ.
“Các bãi mìn chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến doanh thu và sản xuất hàng hóa nông nghiệp của Ukraine. Rất nhiều cuộc giao tranh đang diễn ra trên vùng đất màu mỡ nhất. Điều này sẽ hạn chế rất nhiều tiềm năng nông nghiệp của khu vực và làm giảm thị phần của Ukraine trên thị trường ngũ cốc thế giới không chỉ trong năm nay mà còn trong những năm tới", nhà phân tích Maxim Semenov nói.
Không ai có thể đoán trước được sẽ mất bao lâu để hoàn thành việc rà phá bom mìn ở Ukraine. Nhưng rõ ràng là ngay cả sau khi cuộc xung đột kết thúc, bom mìn và vật liệu nổ sẽ vẫn nằm rải rác trên khắp đất nước và di sản khủng khiếp này sẽ gây ra những hậu quả đáng kể.
Đăng nhận xét