Tính toán của Mỹ khi kìm hãm ngành chip Trung Quốc

Sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung có thể được nhìn thấy từ nhiều khía cạnh khác nhau, từ khinh khí cầu trên bầu trời đến các video trên TikTok.

Tuy nhiên, mối quan hệ căng thẳng đó được thể hiện rõ ràng nhất trên các tấm wafer silicon siêu nhỏ, hay còn được gọi là chất bán dẫn.

Chất bán dẫn, hay vi mạch, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của nhiều thiết bị từ lò vi sóng đến vũ khí quân sự. Ngành công nghiệp chất bán dẫn có giá trị hơn 580 tỷ USD, nhưng ngay cả con số đó cũng chưa thể hiện đầy đủ tầm quan trọng của chúng đối với nền kinh tế toàn cầu.

Mỹ nỗ lực kìm hãm ngành chip Trung Quốc

Nếu không có chất bán dẫn, nền kinh tế toàn cầu sẽ ngừng vận hành, Guardian nhận định.

Do đó, nhiều người đang lo ngại về việc hơn 90% thiết bị bán dẫn của thế giới được sản xuất tại đảo Đài Loan. Nếu xung đột xảy ra tại đây, nguồn cung chất bán dẫn sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng.

Tính toán của Mỹ khi kìm hãm ngành chip Trung Quốc - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất chip tại một nhà máy ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc muốn cải thiện năng lực của các dòng chất bán dẫn tiên tiến của mình để có thể phục hồi kinh tế tốt hơn trong trường hợp xung đột xảy ra, đồng thời coi đó là phương tiện để phát triển năng lực quân đội. Tuy nhiên, Mỹ đang sử dụng các công cụ thương mại quốc tế để làm suy yếu những nỗ lực này của Bắc Kinh.

Số công ty đăng ký hoạt động trong ngành công nghiệp chất bán dẫn của Trung Quốc đã tăng từ con số khoảng 1.300 vào năm 2011 lên 22.800 vào năm 2020.

Tuy nhiên, trọng tâm của mức tăng đó nằm ở các doanh nghiệp sản xuất loại chip lớn và kém tiên tiến hơn. Các chip hiện đại nhất có kích thước từ 5 nanomet trở xuống, trong khi đó ngành công nghiệp của Trung Quốc chủ yếu do các chip từ 24 nanomet trở lên thống trị.

Năm ngoái, Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC), nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, được cho là đã sản xuất được chip 7 nanomet. Đây được nhận định sẽ là bước nhảy vọt về tiến bộ công nghệ.

Tuy nhiên, giới phân tích đặt câu hỏi về việc SMIC sẽ có thể sản xuất những con chip này ở quy mô lớn hay không. Các ước tính cho thấy rằng Trung Quốc còn rất lâu mới đạt được mục tiêu tự chủ 70% vật liệu bán dẫn vào năm 2025.

Mỹ muốn ngăn chặn điều này xảy ra. Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Joe Biden áp đặt một loạt hạn chế sâu rộng, bao gồm cả biện pháp quy định các công ty ở mọi nơi trên thế giới không được bán chip cho Trung Quốc nếu nó được sản xuất bằng công nghệ Mỹ.

Vào tháng 3, Hà Lan xác nhận đã tham gia thỏa thuận với Mỹ và Nhật Bản nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ sản xuất chip tiên tiến.

Thách thức với Trung Quốc

Chiến lược này dường như đang phát huy hiệu quả. Trong ba tháng đầu năm 2023, nhập khẩu chip của Trung Quốc đã giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giữa lúc đó, Bắc Kinh được cho là đang chuẩn bị gói hỗ trợ trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ (146 tỷ USD) cho ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm giảm thuế hoặc trợ cấp.

“Đối mặt với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ, chính phủ Trung Quốc đã nhận thức rõ hơn về nhu cầu hỗ trợ các công ty trong một số ngách nhất định - vốn là những lỗ hổng quan trọng trong chuỗi cung ứng”, nhà phân tích công nghệ John Lee cho hay.

Tính toán của Mỹ khi kìm hãm ngành chip Trung Quốc - Ảnh 2.

Hà Lan xác nhận đã tham gia thỏa thuận với Mỹ và Nhật Bản nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ sản xuất chip tiên tiến. Ảnh: Reuters.

Điều đó cũng có thể đồng nghĩa với việc "trừng phạt" các đối thủ cạnh tranh Mỹ. Vào ngày 21/5, cơ quan giám sát an ninh mạng của Trung Quốc tuyên bố công ty Micron của Mỹ, một trong những nhà sản xuất chip lớn trên thế giới, đã không vượt qua quy trình thẩm định an ninh quốc gia.

“Các nhà điều hành cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng ở Trung Quốc nên ngừng mua các sản phẩm của Micron”, cơ quan này cho biết. Trung Quốc định nghĩa cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng bao gồm các lĩnh vực từ vận tải đến chăm sóc sức khỏe.

Nhiều nhà phân tích coi đây là động thái trả đũa những nỗ lực của Washington nhằm cắt đứt quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với các con chip cao cấp, New York Times đưa tin.

Vào năm 2022, Micron ghi nhận doanh thu 3,3 tỷ USD tại Trung Quốc, chiếm khoảng 11% trong tổng doanh thu toàn cầu hàng năm của công ty này. New York Times nhận định vẫn chưa rõ doanh thu ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng như thế nào sau động thái của chính phủ nước này.

Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng đang cải cách chiến lược công nghệ của đất nước. Nhưng giới phân tích cho rằng chỉ tiền không thôi sẽ không đủ để thúc đẩy ngành công nghiệp chất bán dẫn của Trung Quốc.

Các nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu của đại lục vẫn đi sau hàng thập kỷ so với Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) - được mệnh danh là "con ngỗng vàng" của hòn đảo - và các đối thủ khác ở phương Tây, chẳng hạn ASML của Hà Lan.

Không những vậy, ngành công nghiệp chất bán dẫn Trung Quốc chỉ dành 7,6% doanh số bán hàng tổng thể cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D), thấp hơn nhiều so với con số 18% của Mỹ, Guardian dẫn nhận định của Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn ở Mỹ.

Ngành công nghiệp này cũng bị cản trở do các doanh nhân gian lận hoạt động kinh doanh để nhận trợ cấp từ chính phủ. Trong nỗ lực trấn áp vấn đề này, vào năm 2022, chính phủ Trung Quốc đã thu hồi giấy phép của gần 6.000 công ty sản xuất chip, tăng gần 70% vào năm 2021.

Ông Lee nhận định những thách thức kỹ thuật của Trung Quốc “không chỉ đòi hỏi phải phát minh ra thiết bị, hóa chất và các đầu vào cần thiết khác, mà còn phải học cách sử dụng chúng một cách hiệu quả và đáng tin cậy trên quy mô lớn”.

“Nhiều năm nghiên cứu và phát triển, cũng như kinh nghiệm trong ngành có lẽ vẫn cần thiết” để các công ty Trung Quốc có thể mở rộng quy mô sản xuất, ông Lee chia sẻ thêm.

 

Adblock test (Why?)