Nhật lo ngại vì Nga - Trung tăng cường hợp tác quân sự

Phát biểu tại một cuộc họp của ngoại trưởng  các nước châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở Thụy Điển hôm 13/5, ông Hayashi nói việc Nga mở chiến sự ở Ukraine đã “làm lung lay nền tảng của trật tự quốc tế” và phải đối mặt với phản ứng thống nhất của cộng đồng quốc tế.

AP dẫn lời ông Hayashi quan ngại rằng "những thách thức tương tự sẽ nảy sinh ở các khu vực khác và trật tự hiện có vốn là nền tảng cho hòa bình và thịnh vượng của chúng ta về cơ bản có thể bị đảo lộn”.

Nhật lo ngại vì Nga - Trung tăng cường hợp tác quân sự - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cùng với Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom (trái) và Đại diện cao cấp của EU về an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell. Ảnh: AP.

Nhật Bản kiên quyết ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến, còn Trung Quốc nói rằng họ vẫn trung lập trong khi tuyên bố mối quan hệ “không giới hạn” với Moscow và chỉ trích Mỹ và NATO kích động xung đột. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đến thăm thủ đô Kyiv của Ukraine hồi tháng 3, cùng thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Moscow.

Ông Hayashi cáo buộc Bắc Kinh “tiếp tục và tăng cường các nỗ lực đơn phương” nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông bằng vũ lực, đồng thời gia tăng các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan.

“Ngoài ra, Trung Quốc và Nga đang tăng cường hợp tác quân sự, bao gồm các chuyến bay chung của máy bay ném bom và các cuộc tập trận hải quân chung ở vùng lân cận Nhật Bản,” Hayahshi nói.

Ông Hayashi cũng cảnh báo rằng Triều Tiên đang “leo thang khiêu khích” trong khu vực bằng cách tiến hành các vụ phóng tên lửa đạn đạo “với tần suất và cách thức chưa từng có”.

Hàng chục bộ trưởng từ Liên minh châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tham dự cuộc họp ở phía thủ đô Thụy Điển. Trung Quốc không được mời tham dự cuộc đàm phán.

Ông Hayashi cũng nói rằng kể từ khi chiến sự Ukraine bùng phát, tình hình an ninh ở châu Âu và tình hình an ninh ở Thái Bình Dương không thể tách rời.

Một số quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm Ấn Độ và Pakistan, đã kêu gọi chấm dứt chiến tranh Ukraine nhưng không lên án Nga vì điều đó.

Ngoại trưởng Pakistan Hina Rabbani Khar cho biết: “Tất cả chúng tôi đều cố gắng giải quyết vấn đề này theo những cách khác nhau. “Tôi nghĩ một bài học mà một quốc gia như Pakistan đã học được là xung đột lan tràn không bao giờ là giải pháp; rằng chúng tôi muốn chấm dứt chiến sự, chấm dứt xung đột, để mọi người có thể quay trở lại xây dựng cuộc sống thay vì hủy hoại thêm nhiều sinh mạng.”

Hầu hết các nước EU đã hỗ trợ quân sự cho Ukraine và khối này đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Khi được hỏi liệu EU có hy vọng thuyết phục các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ủng hộ lập trường của khối về cuộc xung đột hay không, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết: “Chúng tôi không muốn thuyết phục bất kỳ ai. Chúng tôi chỉ muốn chia sẻ phân tích của chúng tôi về nguyên nhân và hậu quả của cuộc chiến.”

Tuy nhiên khi được hỏi liệu có thể có một cuộc đối thoại ý nghĩa với các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà không có Trung Quốc hay không, ông Borrell đã bác bỏ câu hỏi đó và nói rằng EU có nhiều cơ hội khác để nói chuyện với Bắc Kinh.

“Chúng ta hoàn toàn có thể thảo luận về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà không có Trung Quốc,” Borrell nói. “Điều đó không có nghĩa là chúng tôi bỏ bê Trung Quốc. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi muốn thay thế Trung Quốc”.

Adblock test (Why?)