Viên mã não vốn chỉ được xem là đẹp mã lại có một bí mật không ngờ tới. Ảnh: reddit
Năm 1883, một vật thể được cho là đá quý pha lê đã được phân loại và đưa vào bộ sưu tập khoáng vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London.
Hòn đá được tìm thấy ở miền trung Ấn Độ, ban đầu được nhận định là mã não, hình dáng gần như là một hình cầu hoàn chỉnh, đường kính khoảng 6 inch (15.24 cm) và có màu hồng nhạt.
Theo thông cáo báo chí ngày 29/3 từ bảo tàng, mặc dù có vẻ ngoài đẹp đẽ, nhưng hòn đá “được cho là không có nhiều giá trị khác”.
Tuy nhiên, cho đến khi một trong những người phụ trách bộ sưu tập khoáng vật học ở bảo tàng là Robin Hansen đến Pháp ngay sau khi trưng bày tảng đá hồi năm 2018, mọi chuyện đã thay đổi.
Robin cho biết trong thông cáo báo chí: “Trong khi tôi đang xem xung quanh triển lãm, một người đã cho tôi xem một quả trứng khủng long được mài nhẵn, có hình cầu, vỏ mỏng và mã não sẫm màu ở giữa. Đó là khoảnh khắc tôi bất chợt nghĩ rằng nó trông rất giống cái mà chúng tôi vừa trưng bày ở bảo tàng!”
Robin quyết định nói chuyện với một số chuyên gia về khủng long. Cô đã thảo luận với các nhà cổ sinh vật học, và họ đều đồng ý cho rằng hòn đá mã não có kích thước và hình dạng phù hợp với một quả trứng. Nó còn có bằng chứng cho thấy rằng đã từng được ép vào những hòn đá hình cầu khác, giống như một ổ trứng.
Sau khi kiểm tra kỹ hơn, các nhà nghiên cứu thấy rằng viên mã não bí ẩn này được lót bởi một lớp mỏng màu trắng, có khả năng là vỏ trứng.
“Nó đã được nhận định và phân loại là mã não vào năm 1883 bằng cách sử dụng kiến thức khoa học có sẵn vào thời điểm đó,” Hansen nói thêm. “Chỉ đến bây giờ chúng tôi mới nhận ra rằng mẫu vật này có một thứ đặc biệt hơn – mã não đã lấp đầy cấu trúc hình cầu này, hóa ra đó là một quả trứng khủng long.”
Xuất hiện trước cả lịch sử ngành khảo cổ
Quả trứng được thu thập lần đầu tiên vào khoảng giữa năm 1817 và 1843 bởi một người đàn ông tên Charles Fraser, người đang sống ở Ấn Độ trong thời gian đó. Theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, điều đó có nghĩa là quả trứng được thu thập “ít nhất 80 năm trước khi trứng khủng long lần đầu tiên được khoa học công nhận”.
Năm 1923, sau khi cả một ổ trứng được tìm thấy ở Mongolia, trứng khủng long mới được xác nhận là còn tồn tại, còn trước đó thì hoàn toàn không. Thậm chí, quả trứng có thể được phát hiện trước khi khái niệm về “khủng long” lần đầu được đưa ra năm 1842. Vì vậy, thời điểm phát hiện ra quả trứng có nghĩa là nó có thể là quả trứng khủng long đầu tiên từng được tìm thấy, và không một ai biết được điều đó.
Hòn đá có khả năng bị ép lên các vật thể hình cầu khác giống như trong một ổ trứng. Ảnh: Yahoo News
Dựa trên tuổi của quả trứng và nơi nó được tìm thấy, các nhà cổ sinh vật học tin rằng nó thuộc về khủng long titanosaur, loài khủng long lớn nhất Trái đất.
Quá trình biến đổi của quả trứng
Theo Encyclopedia Britannica, khủng long titanosaur sống từ 163,5 triệu năm cho đến khoảng 66 triệu năm trước, chiều cao có thể lên đến 85 feet (25.9 m), khiến chúng trở thành động vật trên cạn lớn nhất từng được biết đến. So với kích thước to lớn của chúng khi trưởng thành, trứng của chúng nhỏ một cách đáng ngạc nhiên, giống như quả trứng vừa nói ở trên.
Nhà cổ sinh vật học Paul Barrett cho biết: “Kích thước này khá kỳ lạ vì titanosaur là loài động vật khổng lồ, nhưng thay vào đó, chúng đẻ rất nhiều trứng. Nhiều loài động vật khác cũng có tập tính này, hoặc đẻ ít nhưng trứng to, hoặc đẻ nhiều nhưng trứng nhỏ. Có vẻ như titanosaur thường đẻ khoảng 30 hoặc 40 quả trứng nhỏ.”
Các nhà cổ sinh vật học cũng tin rằng khủng long thường xuyên đến các vùng núi lửa để đẻ trứng vì thời tiết ấm áp.
Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London cho biết: “Điều này cũng sẽ giúp giải thích cách mã não trong quả trứng hình thành. Có thể là ngay sau khi một con khủng long khổng lồ đẻ trứng trong cát ấm, một ngọn núi lửa gần đó đã phun trào.”
Theo thông cáo, đá núi lửa sẽ bao phủ một ổ trứng khủng long, sau đó đông đặc lại, để lại ổ trứng bên trong lớp đá. Phôi trứng sẽ bị thối rữa và một lượng nước chứa silica sẽ lấp đầy quả trứng, cuối cùng đông đặc lại thành tảng đá màu hồng tuyệt đẹp như mọi người có thể thấy ngày nay. Sau 60 triệu năm sau, nó đã được đào lên ở Ấn Độ và mang đến London.
Quả trứng và các mẫu vật khác đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London như một phần của cuộc triển lãm “Titanosaur: Cuộc đời của loài khủng long lớn nhất Trái đất”.
Đăng nhận xét