Khi căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc khiến các công ty đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa của họ, DBS kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục là nước hưởng lợi chính từ việc tái định vị hoặc hợp tác sản xuất. DBS là tập đoàn dịch vụ tài chính ngân hàng đa quốc gia của Singapore.
Chua Han Teng, chuyên gia kinh tế của DBS cho biết, các yếu tố thuận lợi khác như các hiệp định thương mại tự do mở rộng, vị trí gần Trung Quốc, chi phí lao động lành nghề cạnh tranh và hệ sinh thái điện tử đang phát triển cũng giúp xây dựng hình ảnh Việt Nam như một “con cưng đầu tư sản xuất nước ngoài”.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất mới của Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2023 đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19.
Ông Chua lưu ý rằng điều này xảy ra sau khi tổng vốn FDI đăng ký mới suy yếu vào năm 2022, mặc dù lĩnh vực sản xuất vẫn ổn định, cho thấy đóng góp và tầm quan trọng của lĩnh vực này sẽ tăng lên.
Đáng chú ý, tổng vốn đầu tư nước ngoài mới từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đã tăng lên khoảng 800 triệu USD trong quý đầu tiên của năm 2023, cao hơn 10% so với mức trung bình 3 năm trước đại dịch.
Điều này làm cho Trung Quốc và Hồng Kông trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam, sau Singapore – nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam.
Chua cũng kỳ vọng mối liên kết thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ phát triển hơn nữa, với việc Việt Nam đóng vai trò lớn hơn như một cơ sở sản xuất thay thế cho Trung Quốc.
Hơn nữa, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng tính theo sức mua tương đương kể từ năm 2010, nhờ vào mô hình định hướng xuất khẩu và FDI của đất nước.
Chua cho biết: “Kết quả kinh tế tiếp tục tốt đẹp từ cách tiếp cận này có vẻ như sẽ diễn ra trong những năm tới”.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng chuyên môn ngày càng tăng của Việt Nam trong sản xuất và xuất khẩu công nghệ, hội nhập vào chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu và độ mở thương mại cao khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trước sự biến động của chu kỳ công nghệ toàn cầu.
Hoạt động sản xuất của Việt Nam đã giảm 0,4% so với cùng kỳ trong Quý 1 do xuất khẩu hàng điện tử giảm vì nhu cầu toàn cầu yếu hơn. Nhu cầu sau đại dịch đã bình thường hóa, cùng với sự thay đổi chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn từ các nền kinh tế tiên tiến.
Mặc dù kỳ vọng tăng trưởng sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023, DBS cho rằng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho cả năm là không dễ dàng. DBS cảnh báo mục tiêu này có thể chỉ là 5,5%.
“Sự biến động về tăng trưởng và những trở ngại ngắn hạn của Việt Nam trong bối cảnh bên ngoài toàn cầu khó khăn hơn phản ánh sự hội nhập thành công của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu và sự nổi lên như một nhà sản xuất đồ điện tử quan trọng trong những năm qua” - Chua nói thêm.
Đăng nhận xét