Giao tranh tiếp tục diễn ra ác liệt ở Sudan sau hành lang nhân đạo

Giao tranh tiếp tục diễn ra ác liệt ở Sudan sau hành lang nhân đạo - Ảnh 1.

Tình trạng bất ổn ở Sudan. Ảnh: Aljazeera

Giao tranh ác liệt đã tiếp tục ở thủ đô Khartoum của Sudan, sau một thời gian tạm dừng kéo dài nhiều giờ để giải quyết các nhu cầu nhân đạo. Đây được đánh giá là một trong những trận chiến dữ dội nhất giữa các phe quân sự đối địch tranh giành quyền kiểm soát quốc gia châu Phi.

Các cuộc đụng độ giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) đã gây ra sự phản đối kịch liệt của quốc tế và là mối quan tâm của khu vực.

Cơ quan liên chính phủ về phát triển khu vực (IGAD) đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp về tình hình ở Sudan và cho biết họ có kế hoạch cử Tổng thống Kenya, Nam Sudan và Djibouti tới Khartoum càng sớm càng tốt để hòa giải các nhóm xung đột.

Bạo lực, bắt đầu vào hôm 15/4, là đợt bùng phát đầu tiên kể từ khi các lực lượng đối địch hợp lực lật đổ Tổng thống Sudan Omar al-Bashir vào năm 2019.

Các nhân chứng cho biết những tiếng nổ điếc tai và tiếng súng dữ dội tiếp tục làm rung chuyển các tòa nhà ở vùng ngoại ô phía bắc và phía nam đông dân cư của Khartoum vào hôm 16/4 khi xe tăng di chuyển trên đường phố và máy bay chiến đấu gầm rú trên đầu.

Khi màn đêm buông xuống, người dân thủ đô thu mình trong nhà, lo sợ rằng một cuộc xung đột kéo dài có thể đẩy đất nước vào tình trạng hỗn loạn sâu sắc hơn, làm tiêu tan hy vọng lâu nay về một quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ do dân sự lãnh đạo.

"Chúng tôi rất sợ, 24 tiếng đồng hồ không ngủ vì tiếng ồn và nhà rung lắc. Chúng tôi lo lắng về việc hết nước, thức ăn và thuốc men cho người cha mắc bệnh tiểu đường của tôi", Huda, một người dân ở miền nam Khartoum nói với hãng tin Reuters.

"Có quá nhiều thông tin sai lệch và mọi người đều đang nói dối. Chúng tôi không biết khi nào điều này sẽ kết thúc, nó sẽ kết thúc như thế nào", cô nói thêm.

Ủy ban trung ương y tế Sudan ghi nhận 56 dân thường thiệt mạng và khoảng 600 người bị thương.

Hành lang nhân đạo

Vào cuối giờ chiều ngày 16/4, quân đội cho biết họ đã "đồng ý với đề xuất của Liên Hợp Quốc mở hành lang nhân đạo", bao gồm cả việc sơ tán những người bị thương, trong 3 giờ kết thúc lúc 17:00 GMT.

RSF đã xác nhận biện pháp này và cả hai bên đều duy trì quyền "phản hồi trong trường hợp vi phạm" từ phía bên kia.

Mặc dù tạm dừng, người ta vẫn nghe thấy tiếng súng hạng nặng ở trung tâm Khartoum gần sân bay và khói đen dày đặc bốc lên từ khu vực xung quanh.

Phóng viên Hiba Morgan của Al Jazeera, đưa tin từ Khartoum vào tối 16/4, cho biết lệnh ngừng bắn nhân đạo kéo dài ba giờ do các bên tham chiến công bố đã kết thúc.

"Thời hạn ngừng bắn ngắn đã qua. Lúc đó là từ khoảng 4 giờ đến 7 giờ theo giờ địa phương. Trong khoảng thời gian 3 giờ đó, chúng tôi có thể nghe thấy âm thanh của pháo hạng nặng ở nhiều nơi khác nhau của thủ đô Khartoum. Chúng tôi có thể nhìn thấy khói bốc lên từ phía nam và phía bắc của thành phố", Morgan nói.

"Toàn bộ mục đích của thời gian ngừng bắn kéo dài 3 giờ là để cho phép những người bị mắc kẹt xung quanh khu vực lân cận dinh tổng thống, xung quanh khu vực lân cận sở chỉ huy chung của quân đội, cũng như những người bị mắc kẹt ở các khu vực gần đó có thể trốn thoát. Các căn cứ của RSF đang phải đối mặt với các cuộc không kích của máy bay chiến đấu của quân đội Sudan", ông nói thêm.

Bạo lực bùng phát sau nhiều tuần đấu tranh quyền lực giữa chỉ huy quân đội Abdel Fattah al-Burhan và cấp phó của ông, Mohamed Hamdan Dagalo, còn được gọi là Hemedti, người đứng đầu RSF. Mỗi người đều buộc tội người kia bắt đầu cuộc chiến.

RSF tuyên bố họ đã chiếm được dinh tổng thống, sân bay Khartoum và các địa điểm chiến lược khác, nhưng quân đội khẳng định họ vẫn đang kiểm soát những khu vực này.

Giao tranh cũng nổ ra ở khu vực phía tây Darfur và ở bang biên giới phía đông Kassala, nơi nhân chứng Hussein Saleh cho biết quân đội đã nã pháo vào một trại RSF.

Công lý không được chậm trễ

Liên Hợp Quốc cho biết ba nhân viên của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã thiệt mạng hôm 15/4 trong các cuộc đụng độ ở Bắc Darfur và tuyên bố "tạm dừng mọi hoạt động ở Sudan".

Sau cái chết của ba người cũng như của những thường dân khác, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi "công lý không được chậm trễ". Trước đó, ông cảnh báo rằng chiến sự leo thang sẽ "làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo vốn đã bấp bênh".

Liên Hợp Quốc cho biết 1/3 dân số Sudan đang cần viện trợ nhân đạo.

Những lời kêu gọi chấm dứt giao tranh đã đến từ khắp khu vực và toàn cầu, bao gồm Mỹ, Vương quốc Anh, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Nga, trong khi Giáo hoàng Francis cho biết ông đang theo dõi các sự kiện "với sự quan tâm" và kêu gọi đối thoại.

Tại một cuộc họp của khối IGAD gồm 8 thành viên, các nhà lãnh đạo khu vực đã kêu gọi "hành động quyết đoán đối với cuộc khủng hoảng ở Sudan" và kêu gọi "chấm dứt ngay hành động thù địch giữa các bên tham chiến".

Khối quyết định gửi Tổng thống Kenya William Ruto, Tổng thống Nam Sudan Salva Kirr và Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh tới Sudan "vào thời điểm sớm nhất có thể để hòa giải các nhóm xung đột", theo văn phòng tổng thống Kenya.

Các nhà lãnh đạo IGAD cho biết "hoà bình ở Sudan là chìa khóa cho sự ổn định kinh tế và xã hội của khu vực", văn phòng của ông Ruto cho biết trên Twitter. "Các nhà lãnh đạo cũng yêu cầu hai nhóm cung cấp một hành lang an toàn để hỗ trợ nhân đạo ở Khartoum cũng như các thành phố bị ảnh hưởng khác".

Adblock test (Why?)