Người dân từ Trung Quốc tới Hàn Quốc đang chịu nhiều bất tiện trong cuộc sống và đối mặt với những rủi ro về sức khỏe, khi bão cát từ sa mạc Gobi theo gió phủ kín khu vực này.
Từ cửa sổ văn phòng trên tòa nhà cao tầng, Erling Thompson nhìn đường chân trời Seoul mờ dần trong đám mây xám vàng, khi bụi mịn từ những cơn bão cát bắt nguồn từ Trung Quốc phủ kín Hàn Quốc.
Trên những con phố, người dân đeo khẩu trang và mặc áo khoác trùm đầu, cố gắng vượt qua một ngày thời tiết không mấy dễ chịu.
Theo BBC, bụi cát vàng là vấn đề theo mùa với hàng triệu người ở khu vực Bắc Á, khi những cơn gió xuân cuốn bão cát từ sa mạc Gobi giáp Trung Quốc và Mông Cổ tới Bán đảo Triều Tiên và xa hơn là Nhật Bản.
Bụi cát vàng làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí, dễ dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, khi các hạt ô nhiễm đủ nhỏ để xâm nhập vào phổi. Một hạt có đường kính nhỏ hơn sợi tóc người.
Bụi vàng thành "một phần cuộc sống"
“Bạn không cảm thấy hạnh phúc, vào một ngày thời tiết cực xấu. Chúng ta luôn muốn tận hưởng ngày nắng đẹp, nhưng bầu không khí rất bụi bẩn, bạn cảm thấy buồn chán và chỉ muốn ở trong nhà”, anh Thompson - người chuyển từ Mỹ đến Hàn Quốc vào năm 2011 - chia sẻ.
Trong khi đó, Eom Hyeojung cảm thấy “không còn cách nào để tránh bụi vàng”, nên cô vẫn đưa con gái đến trường bất chấp những rủi ro về sức khỏe.
“Bụi vàng xảy ra quá thường xuyên, như mọi năm, tôi vẫn để con đi học. Thật buồn, nhưng tôi nghĩ bụi vàng trở thành một phần cuộc sống của chúng tôi”, giáo viên 40 tuổi đến từ Seoul nói.
Han Junghee - 63 tuổi - cho biết bầu trời dường như âm u hơn vào ban ngày, nên bà tránh tập thể dục ngoài trời.
"Như chiến binh đất nung"
Chính phủ Trung Quốc cho biết kể từ những năm 1960, tần suất bão cát trong khu vực xảy ra thường xuyên hơn, do nhiệt độ tăng và lượng mưa giảm ở khu vực Gobi.
Năm nay, bão cát bắt đầu đổ bộ vào một số khu vực của Trung Quốc từ tháng 3, khiến bầu trời chuyển sang màu vàng. Chỉ trong hai tuần đầu tiên của tháng 4, nước này hứng chịu 4 trận bão cát. Trận gần nhất đã khiến ôtô, xe đạp và nhà cửa phủ đầy bụi.
Trên nền tảng mạng xã hội Weibo, video một người phụ nữ quét được 3 kg bụi bên trong căn hộ ở Nội Mông nhận được 3 triệu lượt xem. Cô vô tình để cửa sổ mở khi có bão cát.
Trong khi đó, một phụ nữ 31 tuổi sống ở Bắc Kinh chia sẻ người mình phủ đầy bụi “như chiến binh đất nung” sau khi ra khỏi nhà chỉ một lúc.
"Ngay cả phòng ngủ cũng ám mùi bụi bẩn khi tôi đi ngủ. Chúng tôi đã quen với bão cát ở Bắc Kinh vì hiện tượng này xảy ra vào mỗi mùa xuân. Tuy nhiên, gió lần này quá mạnh”, cô nói.
Một trận bão cát vào ngày 11/4 đã bao trùm những tòa nhà cao chót vót ở quận Phố Đông của Thượng Hải, khiến chúng gần như biến mất trong bầu trời đêm. 12 tỉnh được đặt dưới cảnh báo bão cát vào ngày hôm sau.
Một cư dân Thượng Hải cho biết buổi sáng sau cơn bão đồng nghĩa cô phải rửa xe đạp trước khi sử dụng. Người phụ nữ 30 tuổi thắc mắc tại sao trong hơn hai năm phòng dịch Covid-19, giới chức chưa thể đưa ra các biện pháp giảm thiểu tác động của bão cát theo mùa.
Ở thời điểm trận bão cát có cường độ mạnh nhất trong lần gần đây, nồng độ bụi mịn (hay PM 10) ở Bắc Kinh cao gấp 46,2 lần so với mức đề xuất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tại Seoul, mức PM 10 cao gấp đôi ngưỡng khuyến cáo rất có hại cho sức khỏe của chính phủ. Tại thành phố Ulsan nằm ở phía đông nam thủ đô, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn.
Giữa lúc Trung Quốc và Hàn Quốc vật lộn với bụi vàng từ bão cát, ở Đông Nam Á, Thái Lan cũng đang đối phó với các vấn đề ô nhiễm không khí, khi cháy rừng và đốt ruộng mía khiến khói bao trùm khu vực phía bắc nước này.
Thành phố du lịch nổi tiếng Chiang Mai là một trong số những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vào tuần bụi vàng bao phủ phần lớn Đông Bắc Á, Chiang Mai bị xếp hạng là thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Đăng nhận xét