Hỗ trợ phòng chống Covid-19
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới khống chế thành công dịch Covid-19 trong năm 2020 - Trưởng Đại diện Văn phòng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam - ông Shimizu Akira phát biểu trong họp báo trực tuyến tổng kết hoạt động giữa kỳ của JICA hôm nay 21/10.
Tuy nhiên, khi dịch bùng phát trở lại năm nay trong làn song dịch thứ tư gây những tổn thất nghiêm trọng. Ông Shimizu nhận xét, trong đợt bùng phát này, người dân Việt Nam đã nghiêm chỉnh thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ về các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như thực hiện giãn cách xã hội, thu dung và điều trị các bệnh nhân Covid-19, đẩy mạnh tiêm chủng vaccine, nhờ vậy, nhiều địa phương đã qua đỉnh điểm của dịch bệnh.
"Tôi xin bày tỏ sự tôn trọng sâu sắc trước những nỗ lực của Việt Nam cho đến nay"- ông nói, đồng thời ông cũng chia buồn với các gia đình Việt Nam đã mất mát người thân trong đợt dịch này.
Nhật Bản đã tích cực giúp Việt Nam phòng chống Covid-19, trong đó có việc tặng hơn 4 triệu liều vaccine cho Việt Nam. Hơn 260 công ty Nhật Bản ủng hộ hơn 158,6 tỷ đồng cho Quỹ vaccine phòng Covid-19.
Bên cạnh đó, JICA đã viện trợ cho Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương hệ thống xét nghiệm PCR, Bệnh viện Bạch Mai hệ thống điều hòa không khí nhằm phòng ngừa lây nhiễm, Bệnh viện Trung ương Huế hệ thống ECMO, trang thiết bị cần thiết trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy với tổng trị giá các lần viện trợ là hơn 450 triệu yên (khoảng 91 tỷ đồng) nhằm đáp ứng yêu cầu khẩn cấp trong phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Ngoài ra, JICA đã viện trợ hộp lạnh bảo quản vaccine kèm thiết bị theo dõi nhiệt độ phục vụ cho việc vận chuyển vaccine, hỗ trợ tại một số tỉnh biên giới nhằm tăng cường năng lực cho các cán bộ, công chức Nhà nước trong điều tra và giám sát các bệnh truyền nhiễm, cung cấp thiết bị phòng ngừa, điều trị cho nhiều bệnh viện khác ở Việt Nam.
Phục hồi và phát triển kinh tế
Liên quan đến các biện pháp chống dịch của Việt Nam, ông Shimizu cho biết: Với các biện pháp 3 tại chỗ, nhiều doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp Nhật Bản Việt Nam đã không đáp ứng được, dẫn tới sản xuất suy giảm mạnh. Một số phương tiện truyền thông của Nhật cũng đưa tin việc ngừng, giảm sản xuất ở Việt Nam tác động đến sản xuất ở Nhật Bản.
"Từ trước tới nay Việt Nam kiên trì chính sách "Zero Covid", áp dụng nhiều chính sách nghiêm ngặt phòng chống Covid. Trước đây chính sách này có thể có thành công và kết quả nhất định, nhưng với làn sóng dịch lần này, chính sách đó đã tạo ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất" – ông Shimizu nói.
"Vì thế hiện nay chủ trương của Việt Nam là làm sao đảm bảo cân bằng giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế, các biện pháp đưa ra đều dựa trên chủ trương này JICA sẽ có hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này".
Hợp tác về hạ tầng giao thông giữa hai bên là một điểm nhấn, gồm các dự án mở rộng sân bay quốc tế, cảng biển, các dự án tăng cường kết nối giao thông giữa các địa phương. Khoảng 70% các tuyến đường quốc lộ của Việt Nam được đầu tư cải tạo thông qua hợp tác vốn vay ODA Nhật Bản. Các dự án hoàn thành giúp tăng cường kết nối ASEAN, chuỗi cung ứng hàng hóa và giúp người dân đi lại thuận tiện, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các nhà máy nước ngoài đầu tư vào các địa phương.
JICA đã và đang triển khai các dự án góp phần cải thiện đời sống của người dân Việt Nam như dự án xây dựng nhà máy điện, đường cao tốc lớn ở các đô thị vệ tinh, nhà máy xử lý nước... Các hợp tác của Nhật Bản đóng góp khoảng 10% tổng sản lượng điện của Việt Nam.
Ông Shimizu cho biết thêm: "Dự án Xây dựng đường sắt đô thị TP.HCM bị đình trệ một thời gian do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nay đã được thi công trở lại. Tôi mong rằng công trình sẽ sớm hoàn thành và đi vào hoạt động tại TP. HCM để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Trong bối cảnh thực trạng giải ngân ODA chậm, có địa phương phải trả lại ODA, ông Shimizu nêu rõ: Các quy định và thủ tục của Việt Nam trong các dự án JICA rất phức tạp và không nhất quán. Chỉ một điều chỉnh nhỏ cũng cần phê duyệt của lãnh đạo cấp cao nên dẫn tới chậm trễ. Việc sử dụng quỹ dự phòng cũng khó làm ngay được vì cần sự phê duyệt của lãnh đạo cấp cao".
Tuy nhiên, ông cho biết, Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được khó khăn này và đang nỗ lực thay đổi điều chỉnh sửa đổi một số nghị định, văn bản pháp luật để sớm cải thiện tình trạng này. Bên cạnh đó, cần cả sự đồng thuận ở cấp thực thi các quy định đó.
Ngoài ra, Việt Nam áp dụng một số nội luật và doanh nghiệp Nhật phải tuân thủ, trong khi Nhật Bản áp dụng một số luật mang tính toàn cầu nên đôi khi có sự không đồng nhất giữa hai bên. Thời gian tới JICA sẽ tích cực trao đổi với Việt Nam để có sự thống nhất cao hơn.
Hôm 30.9 Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã gặp đại diện JICA và 6 ngân hàng, trong đó có Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á… JICA đã nêu lên các vấn đề trong giải ngân ODA và đề xuất cải tiến với các bộ ngành liên quan, hy vọng dần dần các vấn đề sẽ được giải quyết.
Trưởng Đại diện JICA cũng nói: Dịch Covid-19 đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt thường nhật của mỗi người. Cuộc sống của nhiều người bị đảo lộn, nhiều lao động bị mất việc làm. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng. Nhằm giúp Chính phủ thực hiện những hỗ trợ đó, JICA cũng đang nghiên cứu các chương trình hợp tác hỗ trợ tài chính trong thời gian tới.
Quan hệ Việt - Nhật đang ở giai đoạn tốt nhất
"Lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam - Nhật Bản duy trì thường xuyên các chuyến thăm ngoại giao, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử. Mối quan hệ tin cậy dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau là cơ sở gắn bó và phát triển thêm mối quan hệ này, và mối quan hệ ấy cũng được vun đắp bởi sự gắn bó giữa con người với con người. JICA sẽ nỗ lực hơn nữa đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và hợp tác tài chính, đồng thời thúc đẩy hơn nữa việc kết nối giữa con người với nhau, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước" - Shimizu Akira.
Đăng nhận xét