Hơn một nửa dân số Afghanistan (khoảng 22,8 triệu người) đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng, trong đó 3,2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi có thể bị suy dinh dưỡng cấp tính, WFP cho biết.
David Beasley, giám đốc điều hành của WFP, nói: "Afghanistan hiện đang nằm trong số những quốc gia gặp khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, nếu không muốn nói là tồi tệ nhất. Chúng ta đang đếm ngược đến thời khắc thảm họa".
Kể từ khi Afghanistan được Taliban tiếp quản vào tháng 8, nền kinh tế quốc gia, vốn đã mỏng manh do phải phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài, đang ngày càng đi xuống. Các cường quốc phương Tây đình chỉ viện trợ, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng ngừng thanh toán.
Một quốc gia được coi là phụ thuộc vào viện trợ khi 10% tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia đó trở lên là từ viện trợ nước ngoài. Trong trường hợp của Afghanistan, khoảng 40% GDP là viện trợ quốc tế, theo Ngân hàng Thế giới.
Nhiều người Afghanistan hiện đang phải bán tài sản để mua thực phẩm. Một giáo viên ở Herat nói với BBC: "Đã hơn 5 tháng kể từ lần cuối tôi nhận lương. Cuộc sống thật khó khăn. Tôi phải bán tất cả mọi thứ mình có".
Một người đàn ông ở Kandahar cho biết: "Mọi người ở đây thực sự khốn khổ. Hôm qua tôi nhìn thấy một người phụ nữ đang đi dọn thùng rác tại những khách sạn địa phương để lấy thức ăn thừa. Tôi hỏi cô ấy tại sao lại làm như vậy, cô nói rằng không có giải pháp nào khác, cô ấy chỉ đang cố gắng tìm thức ăn cho bọn trẻ".
Vào tháng 9, WFP cảnh báo chỉ có 5% các gia đình Afghanistan có đủ ăn mỗi ngày. Các thực phẩm cơ bản như dầu ăn và lúa mì tăng giá chóng mặt. Vào tháng 10, tổ chức này cảnh báo rằng một triệu trẻ em có nguy cơ tử vong do suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng nếu không được điều trị ngay lập tức.
Đăng nhận xét