Theo Sputnik, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G20 ngày 30/10, ông Putin lưu ý rằng sự kích cầu quá mức đã biến thành bất ổn chung, làm tăng giá các tài sản tài chính và hàng hóa trên một số thị trường như năng lượng, thực phẩm... Nguyên nhân chính của những hiện tượng này là do thâm hụt ngân sách nghiêm trọng ở các nền kinh tế phát triển, ông Putin cho biết thêm.
"Sự kích cầu tạo ra nguy cơ lạm phát toàn cầu cao trong trung hạn. Vì lí do này, không chỉ nguy cơ suy giảm hoạt động kinh doanh đang gia tăng, mà bất bình đẳng cũng trở nên trầm trọng hơn", ông Putin nói.
Do đó, theo ông Putin, điều quan trọng là phải ngăn chặn được vòng xoáy lạm phát và hướng tới bình thường hóa chính sách tiền tệ và ngân sách, nâng cao chất lượng quản lý cơ cấu nhu cầu trong nền kinh tế, thiết lập các ưu tiên kinh tế, trước hết là khắc phục vấn đề bất bình đẳng và tăng cường phúc lợi cho công dân.
Ông Putin ước tính khoảng 40% thâm hụt ngân sách của các nước G20 cho giai đoạn 2020-2021 sẽ rơi vào ngân sách của Mỹ.
"Tôi muốn lưu ý rằng 40% thâm hụt ngân sách của tất cả các nước G20 cho giai đoạn 2020-2021 sẽ rơi vào ngân sách của Mỹ. Tôi đang nói về điều này bởi vì tất cả chúng ta hoàn toàn hiểu rằng toàn bộ thế giới phụ thuộc vào tình hình của nền kinh tế này", ông Putin nói tại hội nghị thượng đỉnh G20.
Tổng thống Nga cũng lưu ý rằng trong giai đoạn 2017-2019, thâm hụt ngân sách G20 trung bình là 3,8%, và trong bối cảnh đại dịch năm 2020, con số này đã tăng lên 11,2%.
Năm nay, khủng hoảng trên các thị trường năng lượng trong khu vực đã cho thấy tầm quan trọng của hoạt động ổn định trong ngành năng lượng. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói.
"Cùng với đại dịch, các hiện tượng khủng hoảng trên thị trường năng lượng khu vực một lần nữa cho thấy hoạt động ổn định và tự tin của ngành năng lượng có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với thế giới hiện đại".
Cũng tại hội nghị G20, Tổng thống Nga Putin đã phàn nàn về việc thiếu sự công nhận của quốc tế đối với vắc xin Sputnik V COVID-19 của Nga. Tổng thống Putin đã kêu gọi các bộ trưởng y tế G20 thảo luận về việc công nhận lẫn nhau về vắc xin và giấy chứng nhận tiêm chủng "càng sớm càng tốt".
"Bất chấp các quyết định của G20, không phải tất cả các quốc gia có nhu cầu đều có thể tiếp cận với vắc-xin chống Covid", ông Putin nói trong video bình luận gửi tới những người đồng cấp được truyền lại trên kênh truyền hình nhà nước Nga.
Ông nói thêm: "Điều này xảy ra chủ yếu do cạnh tranh không trung thực, chủ nghĩa bảo hộ và vì một số quốc gia, đặc biệt là các quốc gia thuộc G20, chưa sẵn sàng cho việc công nhận vắc xin và giấy chứng nhận tiêm chủng".
Là vắc xin Covid-19 đầu tiên được cấp phép trên thế giới, nhưng Sputnik V vẫn chưa được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Nhiều quốc gia phương Tây vẫn chưa cấp phép sử dụng vắc xin Nga, hoặc chưa công nhận chứng nhận tiêm chủng của những người tiêm vắc xin Nga.
Đăng nhận xét