Kể từ khi Taliban lên nắm quyền vào tháng 8, Afghanistan nhanh chóng rơi vào khủng hoảng, phần nhiều là bởi hàng tỷ đô la hỗ trợ cho nền kinh tế từ nước ngoài đã đột ngột bị cắt đứt. Bộ trưởng Phát triển Thụy Điển Per Olsson Fridh nói với Reuters tại Dubai: "Afghanistan đang trên bờ vực sụp đổ và sự sụp đổ đó sẽ diễn ra nhanh hơn chúng ta tưởng".
Ông nói thêm rằng nền kinh tế tự do có thể tạo ra môi trường cho các nhóm khủng bố phát triển mạnh, tuy nhiên Thụy Điển sẽ không chuyển tiền qua Taliban, thay vào đó sẽ tăng cường đóng góp nhân đạo thông qua các nhóm xã hội dân sự Afghanistan.
Ngoài ra, nhiều quốc gia và tổ chức đa phương cũng đã ngừng hỗ trợ phát triển, bên cạnh đó tăng viện trợ nhân đạo kể từ tháng 8, miễn cưỡng hợp pháp hóa các nhà cầm quyền mới của Taliban.
Bộ trưởng Thông tin Pakistan Fawad Chaudhry nói với Reuters rằng trực tiếp hỗ trợ Taliban là cách duy nhất để ngăn chặn thảm họa nhân đạo, đồng thời kêu gọi giải phóng hàng tỷ đô la tài sản Afghanistan bị đóng băng ở nước ngoài. Ông nói: "Chúng ta sẽ đẩy Afghanistan vào hỗn loạn hay cố gắng ổn định đất nước?" Pakistan có quan hệ sâu sắc với Taliban và thường bị cáo buộc hỗ trợ nhóm này chiến đấu với chính phủ do Mỹ hậu thuẫn ở Kabul suốt 20 năm qua.
Chaudhry cho biết Mỹ, Trung Quốc và các cường quốc khác cần đặt ra khuôn khổ để chính thức công nhận những người cầm quyền mới của Afghanistan, bên cạnh đó dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với các thành viên Taliban, bao gồm một số thành viên chính phủ mới. Ông khẳng định, chỉ có những biện pháp trên, cùng với việc hỗ trợ kinh tế trực tiếp, mới có thể ngăn chặn sự sụp đổ của Afghanistan.
Trong khi đó, Fridh cho biết Taliban cho đến nay vẫn chưa chứng minh được rằng họ sẵn sàng gạt bỏ các chính sách áp bức trong giai đoạn cầm quyền từ năm 1996-2001. Ông cũng chia sẻ rằng trong thời gian tới, các nước châu Âu sẽ chưa mở lại đại sứ quán ở Kabul. Thay vào đó, các hoạt động ngoại giao sẽ diễn ra ở Qatar, một đối tác quan trọng giữa phương Tây và Taliban.
Đăng nhận xét