Petra cùng nền văn minh cổ đại đã mất của nó đã khiến các nhà nghiên cứu bối rối trong nhiều năm. Nơi đây từng là một trung tâm phát triển mạnh về chính trị, văn hóa và kinh tế - một trong những điểm quan trọng nhất của khu vực. Người Nabateans từng sinh sống tại thành phố này, tuy nhiên sự giàu có của họ nhanh chóng thu hút sự chú ý của Đế chế Hy Lạp láng giềng. Cả hai bên đã xảy ra nhiều vụ đụng độ vào khoảng năm 312 trước Công nguyên.
Mặc dù vậy, khi người La Mã đến vào năm 106 sau Công Nguyên, người Nabateans đã không thể chống đỡ được và buộc phải đầu hàng. Petra bị sát nhập và đổi tên thành Arabia Petraea, người La Mã cai trị thành phố trong 250 năm tiếp theo.
Vào thế kỷ thứ tư sau Công nguyên, một trận động đất lớn đã xảy ra và xé toạc thành phố. Bên cạnh đó, các tuyến đường biển thương mại xuất hiện cũng khiến tầm quan trọng của Petra suy giảm.
Trận động đất được cho là lý do dẫn đến sự suy tàn của Petra. Tuy nhiên, một số nhà khảo cổ tin rằng câu chuyện còn nhiều điều hơn thế. Mới đây, Tiến sĩ Tom Paradise, người từng giành nhiều thời gian nghiên cứu Petra, đã chia sẻ những ý kiến của mình trong bộ phim tài liệu trên Kênh Smithsonian, 'Bí mật: Bí ẩn của Petra'.
Thông qua phân tích và khai quật, ông tin rằng Petra đã từng là nạn nhân của một "dạng thảm họa" khác vào một thời điểm nhất định trong lịch sử. Dọc theo những con phố chính ở Petra, nhóm các nhà khảo cổ đã bắt gặp manh mối kỳ lạ. Tiến sĩ Paradise giải thích: "Họ phát hiện ra những lớp đá sa thạch trắng khổng lồ. Loạt cát trắng đặc trưng này vốn không thuộc về nơi đây".
Được biết, thung lũng mà Petra tọa lạc vốn được bao quanh bởi những ngọn đồi đá đỏ. Tiến sĩ Paradise và nhóm của ông tiếp tục điều tra bí ẩn. Ông nói: "Chúng tôi nhận thấy rằng kích thước hạt, kết cấu màu sắc, mọi thứ đều giống như đá sa thạch trên thung lũng cũng như đỉnh đồi. Điều này dẫn đến kết luận rằng Petra có thể đã bị ảnh hưởng bởi một trận lũ lớn kinh hoàng. Chính nó đã kéo trôi mọi thứ xuống đây".
Petra từng có lịch sử hứng chịu những trận lũ lụt khủng khiếp. Năm 1963, một cơn lũ đi qua đã giết chết 22 du khách. Những người từng sinh sống ở Petra đều nhận thức được sự nguy hiểm của lũ quét nên đã lắp đặt hàng loạt đường hầm và nhánh rẽ để kiểm soát lượng nước.
Siq - lối vào chính của Petra - rất quan trọng đối với thành phố, vì nó là kết nối chính với thế giới bên ngoài. Tiến sĩ Paradise giải thích: "Đây quả thật là một kế hoạch tuyệt vời, các đường hầm được tạo ra để dẫn nước ra khỏi Siq, tránh những hậu quả thảm khốc không đáng có".
Petra cuối cùng đã bị bỏ hoang vào thế kỷ thứ tám. Sau đó, chỉ còn những người chăn cừu du mục sử dụng các tòa nhà để làm nơi trú ẩn. Mãi đến năm 1812, nhà thám hiểm người Thụy Sĩ Johann Ludwig Burckhardt mới phát hiện ra thành phố này trong chuyến hành trình của mình.
Đăng nhận xét