Đầu năm ngoái, các nhà khoa học ghi nhận Trái đất đã bắt đầu quay quanh trục nhanh hơn. Sang năm nay, vòng quay tăng tốc vẫn tiếp tục trong nửa đầu năm, tuy nhiên đến giai đoạn cuối năm, hành tinh của chúng ta dường như bắt đầu chậm lại.
Trung bình, Trái đất quay hết một vòng quanh trục sau mỗi 86.400 giây hoặc 24 giờ. Mặc dù vậy, trong thực tế, mỗi lần quay có thể thay đổi chút ít về thời gian theo từng phần nhỏ của giây.
Ngày nay, các nhà khoa học theo dõi thời gian với sự hỗ trợ của đồng hồ nguyên tử, thiết lập tiêu chuẩn cho Giờ Phối hợp Quốc tế (UTC). Những chiếc đồng hồ siêu chính xác này lưu giữ thước đo thời gian bằng cách quan sát chuyển động của các electron trong nguyên tử được làm lạnh đến 0 độ tuyệt đối (-273,15C). Nếu có sự khác biệt giữa thời gian được thiết lập bởi đồng hồ nguyên tử và vòng quay của Trái đất, các nhà khoa học có thể cộng hoặc trừ "giây nhuận" để tính chênh lệch.
Nhà vật lý thiên văn Graham Jones nói với BBC vào đầu năm nay: "Kể từ khi hệ thống giây nhuận được giới thiệu vào năm 1972, vòng quay của Trái đất nói chung là hơi chậm, cho đến nay đã có 27 giây nhuận, và chúng đều là số dương. Nói cách khác, tất cả đều đã cộng thêm một giây vào đồng hồ của chúng ta".
Theo Live Science và dữ liệu do Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST) tổng hợp, một giây nhuận đã được thêm vào đồng hồ trong đêm giao thừa năm 2016. Trung bình, các nhà khoa học thêm một giây vào đồng hồ sau mỗi 18 tháng hoặc lâu hơn.
Khi vòng quay của Trái đất tăng nhanh vào năm 2020, các nhà khoa học đã tính đến khả năng cộng thêm một giây nhuận âm để tạo nên sự khác biệt. Năm đó, ngày ngắn nhất được ghi nhận là ngày 19/7, khi Trái đất hoàn thành một ngày nhanh hơn 1,4602 mili giây so với mức trung bình 86.400 giây.
Nhưng theo một báo cáo trên tờ Time and Date, hành tinh này đã chậm lại một lần nữa sau khi độ dài trung bình của ngày tăng từ ngày 1/7 đến ngày 30/9 nhiều hơn 0,05 mili giây so với năm 2020. Điều đó có nghĩa là Trái đất hiện tại đang quay chậm hơn so với nửa đầu năm 2021, mặc dù tốc độ vẫn trên mức trung bình. Dựa trên tốc độ quay hiện tại, các nhà khoa học có thể cần đưa ra một bước nhảy vọt âm thứ hai trong khoảng thời gian khoảng 10 năm.
Mặc dù vậy, điều này có thể thay đổi trong tương lai mà không có cảnh báo trước. Hiện tượng kỳ lạ đã gây khó khăn cho các nhà khoa học đang cố gắng mô hình hóa hiện tượng này. Nick Stamatakos của Đài quan sát Hải quân Mỹ nói với Time and Date: "Chúng tôi đã thử lập mô hình nội bộ trong tương lai gần, thế nhưng việc dự đoán tương lai trước hơn sáu tháng hoặc một năm thật sự khó khăn".
Các nhà khoa học không chắc chắn điều gì gây ra những thay đổi lâu dài này đối với vòng quay của Trái đất. Đôi khi chúng bị ảnh hưởng bởi những trận động đất mạnh làm thay đổi khối lượng hành tinh. Thêm vào đó, các nhà khoa học tin rằng việc băng tan chảy ở Greenland cũng góp phần làm cho Trái đất chậm lại. Richard Gross tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA giải thích: "Trái đất giống như một vận động viên trượt băng, bất cứ thứ gì di chuyển đến gần trục của Trái đất sẽ làm tăng tốc độ quay của nó và di chuyển ra xa khỏi trục sẽ làm nó chậm lại".
Đăng nhận xét