Chế độ Taliban Afghanistan đã cam kết sẽ đánh đuổi những chiến binh cực đoan Duy Ngô Nhĩ - "kẻ thù" của Bắc Kinh.
Về phần mình, Trung Quốc được cho là đang xây dựng các căn cứ quân sự và các điểm quan sát ở biên giới giữa Tajikistan và Afghanistan.
Bắc Kinh muốn kiểm soát mối đe dọa từ những chiến binh cực đoan Afghanistan. Tại một địa điểm không xác định, không xa hành lang Wakhan ở tỉnh Badakhshan, người Trung Quốc đang thể hiện tham vọng kiểm soát khu vực, cũng bằng cách huấn luyện lực lượng Tajikistan.
Quân đội Trung Quốc được cho là đang bố trí căn cứ quân sự gần một tiền đồn cũ của Liên Xô - nơi họ đã thực sự có mặt từ vài năm nay, để giám sát khu vực miền núi chiến lược này.
Các tháp quan sát và các công trình phòng thủ khác đã được củng cố. Mặc dù chính phủ Trung Quốc và Tajikistan phủ nhận sự hiện diện của đội quân Bắc Kinh, nhưng các phóng viên địa phương của Đài Azattyk đã chụp được một số bức ảnh về một cơ sở phức hợp được phát triển mạnh mẽ trong những tháng gần đây.
Từ các cuộc trò chuyện với một số thành viên đã từng và đang làm việc trong các cơ cấu quyền lực ở Tajikistan và Afghanistan, cũng như cư dân địa phương, các nhà báo và nhà phân tích của Azattyk đã đưa ra ước tính về sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Tổng số binh sĩ của Bắc Kinh đang tăng lên nhảy vọt với lý do để đảm bảo an ninh trong khu vực. Trung Quốc đã phát triển dự án quân sự dựa trên mối quan hệ tranh cãi giữa chính phủ Tajikistan và Taliban.
Mối quan tâm hàng đầu của Bắc Kinh vẫn là kiểm soát các chiến binh cực đoan Duy Ngô Nhĩ ở Afghanistan, những người bị cáo buộc âm mưu tấn công ở Tân Cương. Trả lời phỏng vấn Đài Azattyk, Haiyun Ma, Giáo sư tại Đại học Frostburg của Mỹ nhấn mạnh "do mối quan hệ giữa Taliban và những kẻ khủng bố Duy Ngô Nhĩ, nên Bắc Kinh phải cố gắng hợp tác với chế độ Kabul".
Cư dân ở phía Tajikistan của hành lang Wakhan cho biết, máy bay không người lái quân sự liên tục bay qua khu vực này và nhiều công nghệ giám sát khác nằm rải rác khắp nơi. Hai người được phỏng vấn giấu tên nói rằng, họ đã đến thăm cơ sở quân sự vài lần và đã thấy các nhân viên Trung Quốc làm việc cùng với người Tajikistan và Afghanistan.
Hành lang Wakhan, nằm giữa Tajikistan và Pakistan cho đến tận biên giới Trung Quốc được Bắc Kinh xem là điểm trung chuyển cho Con đường Tơ lụa mới (Sáng kiến Vành đai và Con đường) .
Người Nga đã nhường lại quyền kiểm soát khu vực này nhiều năm trước, nhưng họ vẫn cảnh giác với lực lượng đang hoạt động ở Tajikistan và được cho là đang quan sát các động thái của Trung Quốc trong khu vực.
Đăng nhận xét