Đầu những năm 90, hai du khách người Đức, Helmut và Erika Simon, tình cờ tìm thấy một thi thể 5.300 tuổi trong khi đang đi leo núi. Vào thời điểm đó, họ không biết rằng mình đã có một khám phá lịch sử.
Ötzi the Iceman (zitzi), như sau này được biết đến, được phát hiện ở dãy núi Ötztal Alps, ngay trên biên giới giữa Áo và Ý ở độ cao hơn 3.200 mét.
Da của người đàn ông này vẫn còn bao phủ xương, cánh tay trái nằm vặn vẹo dưới cơ thể. Xác định niên đại bằng carbon sau đó cho thấy cơ thể của zitzi ít nhất là 5.300 năm tuổi. Sử dụng các mẫu mô, người ta ước tính ông đã chết trong khoảng thời gian từ năm 3239 đến năm 3105 trước Công nguyên và được bảo quản rất tốt.
Phân tích sâu hơn về cơ thể của zitzi, cùng với chụp X-quang và chụp CT, cho thấy một đầu mũi tên đã được ghim vào vai người đàn ông này khi ông ta chết. Paul Gostner, một trong những chuyên gia tham gia nghiên cứu zitzi, cho rằng nạn nhân có thể đã chết vì mất máu. Anh nói thêm: "Chúng tôi chắc chắn rằng đó không phải là tự sát".
Mặc dù vậy, cũng từ đó nhiều điều kỳ lạ đã xảy ra. Sau khi được phát hiện vào năm 1991, suy đoán về việc zitzi bị nguyền rủa bắt đầu lan rộng. Mọi người đặt câu hỏi rằng liệu ông có tức giận khi giấc ngủ dài 53 thế kỷ của mình bị quấy rầy hay không. Rất nhiều người trong nhóm tham gia khám phá, phục hồi và phân tích cơ thể của zitzi đã phải chịu số phận bi thảm.
Rainer Henn, một nhà khoa học pháp y từ Đại học Innsbruck, là người đặt hài cốt đông lạnh của zitzi vào một chiếc túi đựng thi thể. Ông đã chết một cách thảm thương trong một vụ tai nạn xe hơi khi đang trên đường đến hội nghị về zitzi, chỉ một năm sau khi cái xác được phát hiện.
Kurt Fritz, người tổ chức vận chuyển hài cốt của zitzi, đã thiệt mạng trong một trận tuyết lở vào năm 1993, hai năm sau khi zitzi được phát hiện. Ông là thành viên duy nhất của nhóm thám hiểm đã chết trong trận tuyết lở.
Helmut Simon biến mất trên dãy Alps vào tháng 10/2004. Ông và vợ là những người phát hiện ra zitzi 13 năm trước đó. Những người tìm kiếm phải mất đến 8 ngày để tìm thấy thi thể của ông do tuyết rơi dày đặc. Kinh khủng hơn, Dieter Warnecke là người dẫn đầu đội tìm kiếm Simon. Sau đó, ông cũng bị một cơn đau tim gây tử vong, chỉ vài giờ sau đám tang của Simon.
Vào năm sau, Konard Spindler, chuyên gia hàng đầu thế giới về zitzi, qua đời vì các biến chứng của bệnh đa xơ cứng. Bên cạnh đó, Rainer Holz, người quay phim việc di dời zitzi khỏi ngôi mộ trên núi, cũng qua đời vì khối u não không lâu sau khi hoàn thành bộ phim.
Nạn nhân thứ 7, Tiến sĩ Tom Loy, từng giành được sự công nhận quốc tế cho công trình nghiên cứu zitzi, được tìm thấy đã chết tại nhà riêng ở Brisbane vào tháng 11/2005. Khám nghiệm tử thi kết luận ông chết vì nguyên nhân tự nhiên.
Hiện tại, cơ thể và đồ đạc của Zitzi vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Nam Tyrol ở Bolzano, Ý. Trang web của bảo tàng ghi nhận khoảng 300.000 du khách đến du lịch mỗi năm để chiêm ngưỡng thi thể của người đàn ông này, được bảo quản trong một buồng lạnh tùy chỉnh ở nhiệt độ không đổi -21,2 độ C.
Đăng nhận xét