Lầu Năm Góc cho biết tối 3/2 rằng họ đã phát hiện một quả bóng thám không thứ hai bay ngang qua bầu trời khu vực Nam Mỹ và cho đó cũng là “tác phẩm” của Trung Quốc. Mặc dù chưa rõ tại sao khí cầu này lại bay ở khu vực nói trên, nhưng CNN dẫn lời một quan chức Mỹ khác nói rằng có vẻ như nó không bay về phía Mỹ.
Khinh khí cầu đầu tiên hiện vẫn đang lơ lửng trên bầu trời phía bắc nước Mỹ ở độ cao chừng 18.000m, so với máy bay dân sự thường ở độ cao 12.000m. Các video rải rác trên mạng xã hội cho thấy, những người dùng ống nhòm và kính tele đã cố gắng tìm được khí cầu trên bầu trời khi nó hướng về phía đông nam, qua các ban Kansas và Missouri.
Nó đã thay đổi đường đi và có thể bay ra khỏi bờ biển phía đông nước Mỹ vào sáng 4/2 giờ địa phương, dựa trên các mô hình dự báo thời tiết của Mỹ. Nó sẽ bay qua các bang Kentucky, Tenneessee tới Bắc Carolina trong vòng 24 giờ.
Các quan chức Mỹ cho rằng, đường bay của khí cầu này có thể đi qua một số địa điểm nhạy cảm và Mỹ đã có các biện pháp cần thiết để bảo vệ khỏi việc do thám của nước ngoài.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức an ninh Mỹ đã thảo luận các khả năng, kể cả việc bắn hạ khí cầu - theo một quan chức cấp cao của chính quyền. Phía Mỹ đã chuẩn bị máy bay phản lực chiến đấu, kể cả F-22, để bắn hạ nếu có lệnh. Ông Biden thường xuyên được thông báo tình hình.
Trước đó, quân đội Mỹ đã khuyến cáo không nên bắn bởi nguy cơ các mảnh vỡ rơi xuống, tuy nhiên tình hình có thể thay đổi khi khí cầu bay về bờ biển phía đông.
Cấu trúc bên dưới khinh khí cầu gián điệp Trung Quốc, được các quan chức cho là bộ máy chỉ đạo và giám sát, có chiều dài khoảng 27m, gần bằng ba chiếc xe buýt thành phố. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Patrick Ryder, nói rằng khí cầu đủ lớn khiến họ lo ngại rằng các mảnh vỡ có nguy cơ làm bị thương những người trên mặt đất nếu nó bị bắn hạ.
Cho đến giờ Lầu Năm Góc vẫn nói rằng khí cầu không đặt ra mối đe dọa quân sự hoặc chính trị với nước Mỹ. Nó được phát hiện đầu tiên hôm 2/2 trên bầu trời bang Montana, nơi có một trong 3 địa điểm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của quân đội Mỹ tại Căn cứ Không quân Malmstrom.
Trung Quốc tuyên bố khinh khí cầu là một tàu nghiên cứu dân sự đã bị thổi bay do gió và khả năng tự điều khiển hạn chế. Sáng nay 4/2 Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã mô tả đây “hoàn toàn là một tình huống bất ngờ”ngoài tầm kiềm soát của họ.
Phía Trung Quốc cũng cho rằng việc duy trì liên lạc ở tất cả các cấp là nhận thức chung quan trọng đã được lãnh đạo hai nước đề cập tại cuộc gặp ở Bali - tức cuộc gặp dài 3 giờ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11/2022.
Lầu Năm Góc hôm 3/2 đã thẳng thừng phủ nhận tuyên bố của chính phủ Trung Quốc rằng khí cầu này phục vụ mục đích dân sự, và nói rằng phía Mỹ biết đó là một “khí cầu do thám”.
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã hoãn chuyến đi tới Trung Quốc cuối tuần này chỉ vài tiếng trước khi lên đường. Ông nói rằng khí cầu do thám làm tổn hại đến các cuộc đàm phán dự kiến trong chuyến thăm, là sự vi phạm chủ quyền của Mỹ.
Trong khí đó tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sáng nay 4/2 nói rằng “Trên thực tế, Mỹ và Trung Quốc chưa bao giờ công bố một chuyến thăm nào. Phía Mỹ đưa ra tuyên bố như vậy là việc của họ, và chúng tôi tôn trọng điều đó”.
Theo Bắc Kinh, nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc Vương Nghị cho biết Trung Quốc “luôn tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế, chúng tôi không chấp nhận bất kỳ suy đoán và thổi phồng vô căn cứ nào. Đối mặt với những tình huống bất ngờ, cả hai bên cần giữ bình tĩnh, trao đổi kịp thời, tránh phán đoán sai và quản lý sự khác biệt.”
Vụ việc khinh khí cầu đã giáng một đòn mới vào mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vốn đã rơi vào vòng xoáy đi xuống trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, các quan chức Hoa Kỳ vẫn khẳng định rằng các kênh ngoại giao vẫn mở và Ngoại trưởng Blinken cho biết ông vẫn sẵn sàng tới Trung Quốc “khi điều kiện cho phép”. Ông nói: “Chúng tôi tiếp tục tin rằng việc có các đường dây liên lạc cởi mở là rất quan trọng.
Đây không phải lần đầu tiên khí cầu do thám của Trung Quốc được phát hiện trên lãnh thổ Mỹ, trong đó có ít nhất 1 lần trong thời kỳ chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Ông Trump và bà Nikki Haley, cựu Thống đốc bang Nam Carolina, cựu Đại sứ Mỹ tại LHQ, đều nói rằng lẽ ra Mỹ cần bắn rơi ngay lập tức khí cầu.
Một số nghị sĩ Cộng hòa cũng phát biểu tương tự, và một số người chỉ trích chính quyền Biden vì "cho phép" khí cầu xâm nhập.
Tuy nhiên một số chuyên gia thời tiết nói rằng tuyên bố của Trung Quốc là khí cầu đi chệch hướng không phải là không khả thi.
AP dẫn lời Dan Jaffe, giáo sư hóa học khí quyển tại Đại học Washington, cho biết lời giải thích của Trung Quốc về các kiểu gió được gọi là Westerlies mang khinh khí cầu đến miền Tây Hoa Kỳ là “hoàn toàn có thể xảy ra”.
Đăng nhận xét