Trật tự thế giới được gọi như vậy bởi cuộc đối đầu giữa Đông và Tây với đặc điểm nổi bật nhất là đối đầu về ý thức hệ và sẵn sàng chiến tranh với nhau chấm dứt. Hai phe không còn phải sử dụng răn đe hạt nhân để ngăn ngừa bên này tấn công quân sự bên kia. Những nền tảng cơ bản cho trật tự thế giới "hậu chiến tranh lạnh" là hệ thống và mạng lưới các thoả thuận song phương và đa phương, là sự công nhận và tuân thủ những nguyên tắc và chuẩn mực chung của luật pháp quốc tế.
Ở châu Âu còn có sự hiểu biết chung là cấm tiến hành chiến tranh, cam kết giải quyết mọi xung khắc và bất hoà thông qua đàm phán hoà bình, tôn trọng chủ quyền quốc gia và đường biên giới quốc gia mới hình thành. Sự tan rã của Liên Xô đồng thời cũng còn là sự tan vỡ của trật tự thế giới hai cực trước đấy (Mỹ và Liên Xô).
Mỹ từ đấy nuôi tham vọng thiết lập trật tự thế giới một cực nhưng cho đến nay không thành công bởi một số trung tâm quyền lực mới đã xuất hiện trên thế giới, bởi Mỹ không mạnh nhất thế giới trên tất cả mọi phương diện, bởi Mỹ sa đà vào không ít chuyện nội bộ khiến Mỹ tự suy yếu. Vì vậy, thế giới hướng tới trật tự dựa trên sự tương tác giữa nhiều trung tâm quyền lực khác nhau, dựa trên sự giằng co giữa nhiều tác nhân khác nhau.
Nó không còn hai cực, không thể trở thành đơn cực, chưa hẳn đã được đa cực. Định nghĩa gần nhất cho nó là trật tự thế giới dựa trên chủ nghĩa đa phương, nhưng cũng chỉ gần nhất chứ chưa hoàn toàn chuẩn xác. Nói theo cách khác, ở thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, trật tự thế giới thay thế mới chỉ dò dẫm để định hình.
Cuộc chiến ở Ukraine, bất kể rồi đây còn tiếp diễn đến bao giờ và sẽ kết thúc như thế nào thì nó cũng chính thức kết thúc thời "hậu chiến tranh lạnh". Thời kỳ từ sau cuộc chiến này rồi cũng sẽ có được tên riêng trong lịch sử.
Vì trước đấy chưa có trật tự thế giới cụ thể được định hình nên cuộc chiến tranh này không phá vỡ bất cứ trật tự thế giới nào. Tác động rõ ràng nhất và cụ thể nhất là nó đã phá bỏ trật tự chính trị an ninh và cục diện quan hệ quốc tế định hịnh và hoạt động từ lâu nay ở châu Âu và chỉ có hiệu lực riêng cho châu Âu.
Cuộc chiến ở Ukraine cho thấy thế giới từ nay không còn có bất cứ khả năng nào cho hình thành trật tự thế giới đơn cực và cũng còn phải rất lâu nữa mới định hình thật rõ nét cấu trúc cơ bản và những tác nhân quyết định nhất trong trật tự thế giới đa cực.
Cho nên mới nói rằng diễn biến của cuộc chiến ở Ukraine tác động mạnh tới thế giới nhưng chưa làm đảo lộn cả thế giới. Chỉ có kết cục cuối cùng của cuộc chiến này mới có thể làm thay đổi cơ bản thế giới chúng ta đang sống.
Thế giới chưa định hình trật tự thế giới không có nghĩa là thế giới ở trong tình trạng hỗn độn. Cuộc chiến ở Ukraine đã vô hiệu hoá không ít cơ chế và thể chế đa phương quốc tế hoạt động lâu nay nhưng không phải tất cả.
Luật pháp quốc tế bị thách thức nghiêm trọng nhưng không có nghĩa luật pháp quốc tế sẽ không còn vai trò gì nữa đối với trật tự thế giới trong tương lai. Chủ nghĩa đa phương không phải khi nào và ở đâu cũng luôn được đề cao và thực hiện nhưng vẫn là định hướng chung cho chính sách và chiến lược của đại đa số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Chiến tranh và xung đột vẫn còn xảy ra nhưng các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sẽ không để xảy ra chiến tranh thế giới lần nữa. Cuộc chiến ở Ukraine cho thấy trên thế giới lại có cuộc đối địch về ý thức hệ, hệ thống chính trị, hệ giá trị, ảnh hưởng và vị thế quốc tế nhưng chỉ giữa một số bên với nhau và không phải cả thế giới bị lôi kéo vào cuộc đối địch ấy.
Sau một năm chiến tranh ở Ukraine có thể rút ra được hai nhận thức rất cơ bản về trật tự thế giới. Thứ nhất, hiện tại vẫn là thời kỳ quá độ hướng tới trật tự thế giới mới và thế giới vẫn còn cần rất nhiều thời gian để cố định được trật tự ấy.
Thế giới hướng tới trật tự đa cực và đa phương, nhưng chiều hướng này luôn có thể thay đổi hoặc bị kìm hãm hay cản trở. Thứ hai, thế giới sẽ không có một trật tự duy nhất cho mọi phương diện mà trật tự thế giới mới sẽ là mạng lưới và tập hợp chồng chéo và tương tác lẫn nhau của các trật tự trên từng lĩnh vực cụ thể như trật tự thế giới về chính trị, về kinh tế, về quân sự...
Đăng nhận xét