Phán quyết hôm 7/2 với bà Nguyễn Thị Thanh đánh dấu lần đầu tiên một tòa án ở Hàn Quốc thừa nhận trách nhiệm pháp lý của nhà nước và sự cần thiết phải bồi thường cho các nạn nhân của vụ thảm sát ở làng Phong Nhị - nay thuộc thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam của Việt Nam, nơi khoảng 70 thường dân bị sát hại trong vụ thảm sát 12/2/1968 - theo hãng tin chính thức Hàn Quốc Yonhap.
Tòa yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc trả cho bà Nguyễn Thị Thanh khoản tiền bồi thường lên tới khoảng 30 triệu won (gần 24.000 USD) kèm theo lãi suất.
“Người ta thừa nhận rằng các thành viên gia đình của nguyên đơn đã chết tại địa điểm này và bà ấy bị thương nặng… do bị lính thủy quân lục chiến bắn” - Tòa án quận trung tâm Seoul cho biết. Tòa gọi vụ giết người là “một hành động bất hợp pháp rõ ràng” - Yonhap đưa tin.
Trong phán quyết có lợi cho nguyên đơn, tòa bác bỏ lập luận của chính phủ Hàn Quốc rằng họ không thể chịu trách nhiệm pháp lý do các thỏa thuận được ký kết giữa Hàn Quốc, chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Mỹ vào thời điểm cuộc chiến.
Chính phủ Hàn Quốc cũng lập luận rằng sự tham gia của Lữ đoàn Thủy quân lục chiến số 2 của Thủy quân lục chiến Hàn Quốc chưa được chứng minh rõ ràng, hoặc các vụ thảm sát là một "hành động chính đáng do đặc điểm đặc biệt của cuộc chiến ở Việt Nam", Yonhap đưa tin.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, thảm sát Phong Nhất và Phong Nhị xảy ra ngày 12/2/1968. Khi đó các đơn vị quân đội Hàn Quốc đã giết hại hàng loạt dân thường không có vũ khí, phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Một sĩ quan Mỹ đã chụp lại những hình ảnh về cuộc thảm sát và nộp lên cấp trên. Các bức ảnh được đóng dấu tuyệt mật và đến năm 2000 mới được giải mật.
Nhà báo Koh Kyeong Tae của tờ Hankyore (Hàn Quốc) đã được tiếp cận các bức ảnh này cùng tài liệu của quân đội Mỹ, và đã tới Việt Nam điều tra về tội ác chiến tranh của quân đội Hàn Quốc tại Việt Nam, gây nên làn sóng rúng động ở Hàn Quốc suốt nhiều năm.
Bà Nguyễn Thị Thanh - một nạn nhân sống sót, đã kiện chính phủ Hàn Quốc. Theo tờ Korea Herald, trong lời khai trước tòa vào năm 2020, bà Nguyễn Thị Thanh nói rằng bà mới 8 tuổi khi vụ thảm sát xảy ra và bà bị một người lính Hàn Quốc bắn vào bụng, khiến bà phải nằm gần một năm trong bệnh viện.
Bà Nguyễn Thị Thanh, hiện 63 tuổi, trong một cuộc gọi video từ Việt Nam do luật sư của bà sắp xếp sau phán quyết, hoan nghênh quyết định này và nói rằng đó sẽ là một “sự an ủi cho những linh hồn nạn nhân của vụ việc”, hãng tin Reuters đưa tin.
Hơn 320.000 quân nhân Hàn Quốc đã tham chiến tại Việt Nam từ năm 1964 đến năm 1973. Lãnh đạo quân sự lúc bấy giờ của Hàn Quốc Park Chung-hee đã triển khai quân tới Việt Nam để hỗ trợ lực lượng Mỹ và cái gọi là cuộc chiến chống Cộng sản, Korea Herald đưa tin.
Hàn Quốc có sự hiện diện quân sự lớn thứ hai tại Việt Nam sau Mỹ trong cuộc chiến.
Theo Herald, Seoul chưa bao giờ chính thức thừa nhận rằng các lực lượng của họ đã thực hiện các vụ thảm sát đối với dân thường Việt Nam cũng như chưa chính thức điều tra các báo cáo về các vụ giết người hàng loạt ở một số địa điểm trong chiến tranh.
Đăng nhận xét