Ở khu vực Đông Nam Á, ông Marcos công du đầu tiên tới một thành viên Asean. Ở bên ngoài khu vực này, ông Marcos tới Trung Quốc trước hết và sau đó đến Nhật Bản. Giữa hai sự kiện đối ngoại này là việc Philippines cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự ở Philippines, tức là tăng cường mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác giữa hai nước không chỉ về chính trị mà còn cả về quân sự, quốc phòng và an ninh.
Khác với người tiền nhiệm, ông Marcos chủ trương vừa thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc vừa tăng cường phòng ngừa Trung Quốc, tìm cách tạo dựng thế đứng cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ, gây dựng con bài đối trọng cho xử lý quan hệ của Philippines với Asean, với Trung Quốc và với Mỹ, đồng thời hướng tới những mối liên kết mới với các đối tác khác ở trong cũng như ở bên ngoài khu vực Đông Nam Á để có được sự đảm bảo an ninh hiệu quả hơn và lâu bền hơn.
Trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Marcos hồi đầu tháng Giêng vừa qua, Trung Quốc và Philippines ký kết nhiều thoả thuận hợp tác mới đánh dấu bước phát triển mới của mối quan hệ song phương về chính trị, kinh tế và thương mại. Ông Marcos và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn nhất trí với nhau về cùng quản trị và kiểm soát mối bất hoà giữa hai nước ở khu vực Biển Đông.
Sau đó, ông Marcos dành hẳn 5 ngày thăm Nhật Bản và thoả thuận với thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida về thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương về quân sự và quốc phòng với nội dung cụ thể và mức độ mở đường cho triển vọng sớm có thể ký kết được hiệp ước hợp tác quân sự và quốc phòng thực thụ giữa Philippines và Nhật Bản.
Cho tới nay, Nhật Bản mới chỉ ký kết hiệp ước này với Anh và Australia còn Philippines mới chỉ có với Mỹ. Ngay sau khi trở về Philippines, ông Marcos còn quả quyết không thấy có bất cứ trở ngại gì cho việc Philippines và Nhật Bản ký kết hiệp ước hợp tác quân sự và quốc phòng. Đồng thời, phía Philippines phản ứng Trung Quốc khá gay gắt về việc tầu thuyền Trung Quốc sử dụng thiết bị chiếu tia lade gây nguy hiểm cho tàu thuyền của Philippines ở khu vực Biển Đông.
Cả Mỹ và Nhật Bản đều coi Trung Quốc là thách thức an ninh lớn nhất ở khu vực và đều nhìn nhận quan hệ hợp tác với những nước trong khu vực, đặc biệt Philippines vì Philippines có mối quan hệ đồng minh quân sự truyền thống xưa nay với Mỹ và bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở khu vực Biển Đông, có ý nghĩa chiến lược lâu dài và mức độ đắc dụng thiết thực đặc biệt.
Trung Quốc cũng chính bởi thế mà không thể không quan ngại sâu sắc về việc Mỹ và Nhật Bản nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác với Philippines trên mọi lĩnh vực, đặc biệt về quân sự, quốc phòng và an ninh.
Cho nên Trung Quốc buộc phải có những tự kiềm chế nhất định trong chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Philippines ở khu vực Biến Đông để tránh đẩy Philippines về phía Mỹ và Nhật Bản, phải dựa cậy ngày càng thêm nhiều vào Mỹ và Nhật Bản để đảm bảo an ninh, tạo lý do và cơ hội cho Mỹ và Nhật Bản tranh thủ Philippines hơn nữa.
Nghi ngại và phòng ngừa lẫn nhau, thậm chí cả đối phó nhau ở khu vực Đông Á giữa Trung Quốc với Mỹ và Philippines càng gia tăng thì vị thế của Philippines càng thêm đáng kể trong chiến lược và chính sách của 3 nước này. Không như người tiền nhiệm đã làm, ông Marcos bây giờ có vẻ như chủ trương tìm kiếm và gây dựng cục diện quan hệ đối ngoại và thế cuộc chính trị, an ninh có lợi nhất cho Philippines theo hướng an toàn nhất và ít đột biến nhất.
Xem ra, người này tin rằng tìm thấy ở đó giải pháp tốt nhất cho hai bài toán cân bằng phải giải đồng thời là bài toán cân bằng giữa thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc và đối phó với tình trạng bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và bài toán cân bằng quan hệ giữa với Trung Quốc và với Mỹ cùng các đồng minh của Mỹ ở trong cũng như ngoài khu vực.
Đăng nhận xét