Bộ Thương mại Mỹ cho biết 5 công ty và 1 viện nghiên cứu của Bắc Kinh đang hỗ trợ "các nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, đặc biệt là các chương trình hàng không vũ trụ của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) bao gồm khinh khí cầu".
Vụ việc khinh khí cầu Trung Quốc trôi trên bầu trời nước Mỹ vào tuần trước đã gây ra phẫn nộ chính trị ở Washington và tập trung vào thách thức mà Trung Quốc đặt ra cho Mỹ và các đồng minh.
Sau vụ việc, Ngoại trưởng Antony Blinken đã hủy bỏ chuyến đi tới Bắc Kinh mà cả hai nước hy vọng sẽ hàn gắn các mối quan hệ đang bị rạn nứt.
Việc bị thêm vào "danh sách đen" khiến các công ty Trung Quốc khó có thể nhận được hàng xuất khẩu công nghệ của Mỹ. Cả Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump đã sử dụng danh sách này để trừng phạt các công ty Trung Quốc bị coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Trợ lý Bộ trưởng Thương mại phụ trách Thực thi Xuất khẩu Matthew Axelrod cho biết: "Động thái này thể hiện những nỗ lực phối hợp của chúng tôi nhằm xác định và ngăn chặn việc Trung Quốc sử dụng khinh khí cầu giám sát, vốn đã vi phạm không phận của Mỹ và hơn 40 quốc gia"..
Lực lượng Không quân Mỹ đã bắn hạ khinh khí cầu ngoài khơi Nam Carolina vào hôm 4/2, một tuần sau khi nó đi vào không phận nước này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng đây là một quả bóng bay dự báo thời tiết bị thổi lệch hướng và cáo buộc Mỹ phản ứng thái quá.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi hôm 9/2 xác nhận Bắc Kinh từ chối điện đàm sau khi Washington ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu, đồng thời gọi hành động này là cách tiếp cận sai lầm, theo South China Morning Post.
"Cách tiếp cận sai lầm nghiêm trọng của Mỹ đã không thể tạo ra bầu không khí phù hợp cho đối thoại, trao đổi giữa quân đội hai nước. Do đó, Trung Quốc không chấp nhận yêu cầu điện đàm giữa hai bộ trưởng Quốc phòng", ông Đàm Khắc Phi nói.
Đăng nhận xét