Số người chết được xác nhận đã lên tới 12.000 vào cuối ngày thứ Tư (8/2).
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đến thăm tỉnh Hatay bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nơi có hơn 3.300 người chết và toàn bộ khu vực lân cận bị phá hủy.
Cư dân Hatay đã chỉ trích phản ứng của chính phủ, phàn nàn về việc thiếu thiết bị, chuyên môn và hỗ trợ để giải cứu những người bị mắc kẹt.
"Các nhà chức trách đang ở đâu? Họ đã ở đâu trong hai ngày? Chúng tôi cầu xin họ. Hãy đưa những nạn nhân ra ngoài", Sabiha Alinak nói. Cô đang đứng gần một tòa nhà đổ sập phủ đầy tuyết ở thành phố Malatya.
Nước láng giềng Syria cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận động đất hôm 6/2. Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc thừa nhận chính phủ nước này "thiếu năng lực và thiết bị" nhưng cho biết nguyên nhân là do cuộc nội chiến kéo dài hơn 10 năm cũng như các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ông Erdogan thừa nhận "những thiếu sót" trong việc ứng phó với trận động đất mạnh 7,8 độ richter hôm 6/2 nhưng lưu ý mức độ nghiêm trọng của thảm họa và thời tiết mùa đông là những yếu tố chính.
Trận động đất đã phá hủy đường băng tại sân bay Hatay, càng làm gián đoạn hoạt động ứng phó.
"Không thể chuẩn bị sẵn sàng cho một thảm họa như vậy", ông Erdogan nói. "Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không bỏ mặc bất kỳ người nào".
Các đội tìm kiếm từ hơn hai chục quốc gia đã tham gia cùng hàng chục nghìn nhân viên cấp cứu địa phương ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, mức độ tàn phá của trận động đất quá lớn và các dư chấn trải rộng khắp khu vực, nên nhiều người vẫn chưa nhận được sự giúp đỡ.
Các chuyên gia cho biết cơ hội sống sót cho những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát đang tắt dần. Tuy nhiên, họ nói rằng đừng từ bỏ hy vọng.
Steven Godby, chuyên gia về các mối nguy hiểm tự nhiên tại Đại học Nottingham Trent, Vương quốc Anh, cho biết: "72 giờ đầu tiên là quan trọng nhất. Tỷ lệ sống sót trung bình trong vòng 24 giờ là 74%, sau 72 giờ là 22% và đến ngày thứ năm là 6%".
Với hàng ngàn tòa nhà bị đổ sập, không rõ có bao nhiêu người vẫn còn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Tại thành phố Malatya của Thổ Nhĩ Kỳ, các thi thể được đặt cạnh nhau trên mặt đất và phủ chăn trong khi lực lượng cứu hộ chờ xe đến đón, theo cựu nhà báo Ozel Pikal.
Pikal, người tham gia nỗ lực cứu hộ, cho biết ít nhất một số nạn nhân đã chết cóng khi nhiệt độ giảm xuống âm 6 độ C.
"Tính đến hôm nay, không còn hy vọng nào ở Malatya", Pikal nói qua điện thoại. "Không ai còn sống sót khi được đưa ra từ trong đống đổ nát".
Đăng nhận xét