Biến thể mới có nguồn gốc từ Nam Phi được gọi là Omicron, các nhà khoa học vẫn chưa có nhiều thông tin về loại biến thể này. Mặc dù vậy, WHO đã gọi nó là một "biến thể đáng lo ngại", bên cạnh đó nhiều chính phủ trên thế giới đã ngay lập tức áp đặt lệnh cấm bay và các hạn chế đi lại khác.
Hôm 27/11, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đã đồng ý áp đặt lệnh cấm đi lại đối với người đến từ Nam Phi để chống lại sự lây lan của Omicron. Khối 27 quốc gia đã hành động chỉ trong vòng vài giờ theo lời khuyên của giám đốc điều hành EU, ông cho biết tất cả các quốc gia cần phải hết sức thận trọng trong việc đối phó với biến thể này cho đến khi xác định rõ mức độ nghiêm trọng mà nó có thể gây ra.
Vương quốc Anh ra lệnh cấm tất cả các chuyến bay từ Nam Phi và năm quốc gia láng giềng khác, đồng thời thông báo rằng bất kỳ ai mới đến từ các nuớc này sẽ được yêu cầu làm xét nghiệm coronavirus.
Những động thái này làm dấy lên một cuộc tranh luận về việc liệu các lệnh cấm bay và hạn chế đi lại có tác dụng ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới hay không. Một số người nói rằng các hạn chế này có thể câu thêm thời gian cho việc triển khai áp dụng những biện pháp y tế công cộng mới. Mặc dù vậy, trong trường hợp tệ nhất, chúng sẽ không thể ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh mà chỉ mang lại cảm giác an toàn "không có thật".
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi cho biết họ thực sự không khuyến khích việc áp đặt các lệnh cấm đi lại đối với những người đến từ các quốc gia xuất hiện biến thể mới.
Việc hạn chế đi lại có làm chậm quá trình lây lan của virus không?
Mark Woolhouse, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh, cho biết việc hạn chế đi lại có thể giúp các quốc gia có thêm thời gian để tăng tốc độ tiêm chủng, đồng thời thực hiện những biện pháp khác chẳng hạn như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, tuy nhiên chúng cũng rất khó ngăn chặn sự xâm nhập của các biến thể mới.
Ông nói: "Các hạn chế đi lại có thể trì hoãn nhưng chắc chắn sẽ không thể ngăn được hoàn toàn sự lây lan của một biến thể với khả năng lây truyền cao".
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học Johns Hopkins Dr. Amesh Adalja nói rằng những hạn chế đi lại chỉ mang lại cho công chúng cảm giác an toàn "không có thật" và là động thái để xoa dịu dư luận của các nhà chức trách. Adalja lưu ý rằng những hạn chế áp đặt sẽ không có nhiều tác dụng như xét nghiệm nhanh và vaccine.
Trong khi đó, nhà dịch tễ học Thụy Điển, Anders Tegnell nói với một hãng tin địa phương rằng ông không tin lệnh cấm đi lại sẽ có bất kỳ ảnh hưởng lớn nào, ngoại trừ đối với các quốc gia có đường bay thẳng đến những khu vực bị ảnh hưởng.
"Về cơ bản là chúng ta không thể theo dõi tất cả các tuyến đường du lịch", Tegnell nói với tờ Expressen.
Diễn biến tiếp theo sẽ như thế nào?
Jeffrey Barrett, Giám đốc Di truyền về Covid-19 tại Viện Wellcome Sanger, cho rằng việc phát hiện sớm biến thể mới Omicron có thể hạn chế được phần nào các tác động của nó, nhiều hơn so với khi biến thể Delta lần đầu tiên xuất hiện.
Ông nói: "Nam Phi và các quốc gia lân cận đã rất nhanh chóng thông báo cho thế giới về biến thể mới. Chúng ta vẫn còn thời gian để hành động".
Ngoài ra, Barrett cũng khẳng định các quan chức Nam Phi không nên bị trừng phạt vì đã cảnh báo thế giới về biến thể mới. Ông tuyên bố: "Họ đã làm một điều đúng đắn cho cả nhân loại, chúng ta phải giúp họ, không nên phạt họ vì điều này".
Các nhà khoa học nói gì?
Sharon Peacock, người đứng đầu giải trình tự gen tại Đại học Cambridge ở Anh, cho biết bất kỳ quyết định hạn chế đi lại nào đều là những quyết định chính trị, không phải là quyết định khoa học.
Bà nhấn mạnh rằng vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn về biến thể mới, bao gồm cả việc liệu nó có thực sự dễ lây nhiễm hay gây chết người nhiều hơn biến thể Delta hay không. Bà cho biết vẫn chưa có bằng chứng cho thấy biến thể mới có khả năng gây chết người hoặc khả năng lây truyền cao hơn các phiên bản trước.
Bà nói: "Các biện pháp hạn chế có thể ngăn chặn sự lây nhiễm, nhưng việc áp dụng thực tế phải rất cẩn thận và chỉ một số quốc gia sẵn sàng làm điều này. Đây là quyết định của các nhà hoạch định chính sách. Hiện tại, các nhà khoa học chúng tôi sẽ chưa thể đưa ra một câu trả lời chắc chắn nào trong một vài tuần".
Còn về tác động kinh tế?
Nền kinh tế toàn cầu hiện tại đang gặp nhiều bất ổn. Một loại coronavirus mới có khả năng lây truyền cao sẽ gây ra rủi ro, đe dọa phá vỡ sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu và làm trầm trọng thêm các nút thắt khó khăn trong chuỗi cung ứng. Thị trường chứng khoán trên khắp thế giới giảm mạnh do sự lo lắng về biến thể này cùng với phản ứng từ các nhà lãnh đạo chính trị.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty giao dịch tiền tệ OANDA cho biết: "Điều đáng lo ngại nhất vào lúc này là chúng ta chưa hiểu rõ về biến thế mới".
Đăng nhận xét