Sự trở lại của Taliban có ý nghĩa như thế nào đối với Afghanistan?

Kể từ khi nắm quyền kiểm soát Afghanistan, Taliban đã thề sẽ thay đổi cách thức quản lý đất nước. Những lời thề này đã vấp phải sự hoài nghi giữa các chính phủ và tổ chức đa phương trên thế giới, vốn từ chối công nhận Taliban là chính quyền hợp pháp ở Afghanistan. Chính vì lẽ đó, các tổ chức đã chặn quyền tiếp cận của Taliban đối với hàng tỷ đô la tài sản Afghanistan được giữ ở nước ngoài, đồng thời cắt đứt nguồn hỗ trợ phát triển vốn đã là cứu cánh cho nền kinh tế nước này từ lâu.

Thế giới đã cắt hoàn toàn viện trợ cho Afghanistan?

Sự trở lại của Taliban có ý nghĩa như thế nào đối với Afghanistan? - Ảnh 1.

Afghanistan đang gặp phải khủng hoảng nạn đói. Ảnh: Al Jazeera

Không phải vậy! Hỗ trợ nhân đạo đang tiếp tục đổ về. Trên thực tế, các cam kết từ Mỹ, những quốc gia giàu có ở châu Âu và Trung Quốc, thậm chí còn tăng lên sau khi Taliban tiếp quản, một phần được thúc đẩy bởi mong muốn ngăn chặn một cuộc di cư ồ ạt của người tị nạn Afghanistan.

Tuy nhiên, nhu cầu hiện tại là rất lớn. Trước khi ngừng viện trợ phi nhân đạo, các nhà tài trợ nước ngoài đã hỗ trợ khoảng 75% chi tiêu công. Với nguồn cung tiền eo hẹp, nhiều công ty địa phương phải đóng cửa, các ngân hàng hạn chế rút tiền và số lượng lớn công nhân bị bỏ mặc. Thậm chí, Taliban còn loại bỏ hoàn toàn lực lượng cảnh sát và quân đội Afghanistan.

Các quan chức Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng vào giữa năm 2022, sẽ có tới 97% trong số 39 triệu người dân có thể phải sống trong cảnh nghèo đói, tăng so với khoảng 72% vào năm 2020. Ngay cả trước khi Taliban tiếp quản, việc thiếu lương thực đã là một vấn đề lớn. Afghanistan bị ảnh hưởng bởi hạn hán và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Vào tháng 9 và tháng 10/2021, gần một nửa dân số nước này không được tiếp cận đủ với những thực phẩm an toàn, bổ dưỡng, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO).

Địa vị của phụ nữ dưới thời Taliban ra sao?

Sự trở lại của Taliban có ý nghĩa như thế nào đối với Afghanistan? - Ảnh 2.

Trước đây, phụ nữ Afghanistan phải mặc burka để che đi phần lớn cơ thể. Ảnh: Toronto Star

Trong thời gian nắm quyền trước đây (1996-2001), Taliban cấm phụ nữ đi học, đi làm và thậm chí không được rời khỏi nhà mà không có nam giới hộ tống. Mặc dù vậy, lần này các nhà lãnh đạo của nhóm khẳng định sẽ nới lỏng chính sách hà khắc, nhưng hiện vẫn chưa rõ những thay đổi sẽ đi đến đâu.

Taliban không còn yêu cầu phụ nữ khi ở nơi công cộng phải mặc burka (một loại áo dài của phụ nữ Afghanistan, có phần vải để trùm lên đầu, phía trước là một tấm lưới dày che mặt làm họ chỉ có thể nhìn từ trong ra ngoài). Thay vào đó, lực lượng này chỉ nhấn mạnh vào khăn trùm đầu và quần áo không hở hang.

Trong vài tháng đầu tiên sau khi Taliban tiếp quản, hầu hết phụ nữ chỉ được phép làm việc trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Trẻ em gái được phép đi học đến lớp sáu. Phụ nữ chỉ được vào một số trường đại học. Không có nữ giới trong nội các của Taliban, ngoài ra nhóm cũng đã giải tán Bộ Phụ nữ. Nhiều nhà lãnh đạo nữ nổi tiếng của Afghanistan đã phải bỏ trốn khỏi đất nước hoặc ở ẩn.

Vậy còn người dân tộc thiểu số?

Taliban, theo nhánh Hồi giáo dòng Sunni, chủ yếu là người Pashtun, nhóm dân tộc lớn nhất Afghanistan. Trong lần cai trị trước đây, nhóm đã thực hiện những hành động dã man, bao gồm cưỡng bức di dời, cưỡng hiếp và cưỡng ép kết hôn nhiều phụ nữ của các dân tộc khác, đặc biệt là người Hazara, những người theo đạo Hồi dòng Shiite.

Nội các 53 thành viên của Taliban được nêu tên hồi tháng 9 hầu hết đều do người Pashtun thâu tóm. Chỉ có 10 thành viên đến từ các nhóm dân tộc khác, trong đó có một người Hazara là thứ trưởng y tế. Bên cạnh đó, các quan chức Taliban đã đuổi hàng nghìn người Hazara ra khỏi nhà của họ, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW).

Mối quan hệ của Taliban với các nhóm khủng bố khác như thế nào?

Sự trở lại của Taliban có ý nghĩa như thế nào đối với Afghanistan? - Ảnh 3.

Vụ khủng bố 11/9 đã làm rung chuyển cả thế giới. Ảnh: Getty

Afghanistan là một nam châm thu hút các phần tử cực đoan Hồi giáo. Trong đó có 2 nhóm đặc biệt nguy hiểm mà Mỹ và các đồng minh cần phải luôn đề phòng.

Al-Qaeda

Sau vụ khủng bố vào ngày 11/9/2001, Taliban đã từ chối dẫn độ thủ lĩnh al-Qaeda là Osama bin Laden, chính điều đó đã dẫn đến cuộc tấn công của Mỹ vào nước này.

Một lực lượng al-Qaeda từ vài chục đến 500 người vẫn đang ở Afghanistan, theo báo cáo của một ủy ban Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC).

Ủy ban Liên hợp quốc cho biết nhiều tháng trước khi giành được quyền lực, Taliban đã bắt đầu thắt chặt quyền kiểm soát của họ đối với al-Qaeda bằng cách đăng ký thông tin của các 'chiến binh thánh chiến' nước ngoài, đồng thời đưa ra hạn chế đối với những chiến binh này.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nhóm được dự báo là sẽ vẫn khăng khít nhờ có chung một tư tưởng. Các quan chức tình báo Mỹ ước tính rằng al-Qaeda sẽ cần một hoặc hai năm để chuẩn bị trước khi muốn tấn công Washington ngay trên lãnh thổ nước này một lần nữa.

Nhà nước Hồi giáo (IS)

Tổ chức khủng bố ở Afghanistan của nhóm này được gọi là IS-Khorasan, nhóm hoạt động tích cực hơn nhiều so với al-Qaeda và có khoảng 2.200 chiến binh.

Nhóm được cho là có mâu thuẫn với Taliban, cả hai bên đã chiến đấu với nhau trong nhiều năm. IS coi cộng đồng Hồi giáo là một thực thể nên được thống nhất dưới một nhà cai trị Hồi giáo duy nhất, đồng thời IS cũng chỉ trích Taliban vì đi theo phong trào dân tộc chủ nghĩa.

Nhóm liên tục thực hiện các cuộc tấn công, thường nhằm vào cộng đồng người Shiite của Afghanistan, đặc biệt kể từ khi Mỹ cùng các đồng minh rời khỏi đất nước. Ngoài ra, IS-Khorasan cũng đang cố gắng tìm cách thu hút, tuyển mộ các chiến binh Taliban.

Mỹ tuyên bố sẽ làm mọi cách để chống lại các mối đe dọa từ Afghanistan, bao gồm cả những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, tên lửa, máy bay ném bom tầm xa cũng như các cuộc xâm nhập của biệt kích. Tuy nhiên, việc Mỹ để mất các căn cứ và thông tin tình báo tại Afghanistan khiến việc thực hiện thành công các hoạt động như vậy trở nên khó khăn hơn nhiều.

Adblock test (Why?)