Theo New York Times, các chính phủ châu Âu đang phải tăng cường các biện pháp chống lại Covid-19 khi đối mặt với tỷ lệ lây nhiễm tăng vọt - hơn 2 triệu ca mắc mới mỗi tuần, nhiều nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, châu Âu một lần nữa là tâm chấn của đại dịch Covid-19, chiếm hơn một nửa số ca tử vong do Covid-19 được báo cáo trên toàn thế giới trong tháng này.
Bốn quốc gia có tỷ lệ các ca mắc mới cao nhất thế giới trong tuần qua là Áo và 3 quốc gia giáp biên giới với nước này là Slovakia, Slovenia và Cộng hòa Séc; trong số 29 quốc gia có tỷ lệ các ca mắc mới cao nhất thế giới thì có 27 nước ở châu Âu.
Các ca mắc Covid-19 mới hàng ngày liên tục tăng cao ở châu Âu. Ảnh AP/Reuters
Với tỷ lệ tiêm chủng giảm dần và mùa đông đang đến gần, nhiều chính phủ châu Âu đang gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với đảng Dân chủ Cơ đốc giáo hôm thứ Hai 22/1 rằng tình hình “rất kịch tính” và đợt bùng phát mới nhất còn tồi tệ hơn bất cứ điều gì mà Đức đã phải hứng chịu cho đến nay.
Bà cũng cảnh báo rằng các bệnh viện sẽ sớm bị quá tải trừ khi làn sóng Covid-19 thứ 4 bị phá vỡ, đồng thời kêu gọi 16 bang của Đức thực thi các hạn chế chặt chẽ hơn nữa để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Đức, giống như nhiều quốc gia châu Âu đang thúc ép người dân phải tiêm phòng tăng cường. Hôm 18/11, 553.000 liều vaccine đã được tiêm ở Đức trong một ngày - kỷ lục chưa từng thấy kể từ đầu tháng Tám. Theo Bộ Y tế Đức, 3/4 trong số đó là các mũi tiêm tăng cường (mũi tiêm thứ 3).
Áo hôm thứ Hai 22/11 đã bắt đầu đợt phong tỏa toàn bộ đất nước lần thứ 4. Nước này là một trong số ít các quốc gia ở Tây Âu phong tỏa hoàn toàn kể từ khi vaccine được tiêm rộng rãi. Hầu hết các cửa hàng, nhà hàng, địa điểm thể thao và tổ chức văn hóa đã đóng cửa, khiến đường phố Áo vô cùng vắng lặng trong những tuần trước Giáng sinh.
Lệnh phong tỏa vốn chỉ cho phép mọi người rời khỏi nhà để đi làm hoặc mua hàng tạp hóa và thuốc men, sẽ kéo dài ít nhất 10 ngày và nhiều nhất là 20 ngày. Nó được đưa ra sau nhiều tháng chính phủ cố ngăn chặn sự lây lan của virus thông qua chương trình tiêm chủng rộng rãi và hạn chế một phần nhưng không hiệu quả.
Đường phố Áo vắng lặng khi lệnh phong tỏa đất nước có hiệu lực từ 22/11. Ảnh AP/Reuters
Áo cũng đã thông báo rằng tiêm chủng sẽ là bắt buộc kể từ ngày 1/2. Đây là quốc gia phương Tây đầu tiên và là một trong số ít các quốc gia trên thế giới phải thực hiện bước này.
Alexander Schallenberg, Thủ tướng Áo cho biết, ban đầu ông cũng phản đối việc tiêm chủng bắt buộc, nhưng “có quá nhiều lực lượng chính trị, những người hoài nghi vaccine và những kẻ tung tin giả ở đất nước này” nên cuối cùng, ông đã ủng hộ thông qua chương trình tiêm chủng bắt buộc.
Tại Pháp, mọi người phải tiêm phòng đầy đủ và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 thì mới được tới các nhà hàng và rạp chiếu phim.
Khoảng 68% người Đức và 66% người Áo đã được tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ. Bỉ có tỷ lệ tiêm chủng cao, ở mức 75%, nhưng sự gia tăng số ca mắc Covid-19 mới đã khiến chính phủ áp dụng các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn, bao gồm nhiều người phải làm việc tại nhà hơn và quy tắc bắt buộc phải đeo khẩu trang. Tỷ lệ tiêm chủng ở hầu hết các nước Tây Âu cao hơn trong khi mức độ tiêm chủng ở Đông Âu lại thấp hơn nhiều - từ 59% ở Cộng hòa Séc đến 24% ở Bulgaria.
Tại Hy Lạp, chính phủ cho biết hôm 22/11 rằng những người không tiêm chủng sẽ bị cấm tới các không gian trong nhà có nguy cơ lây nhiễm cao, bao gồm nhà hàng, rạp chiếu phim, bảo tàng và phòng tập thể dục. Giấy chứng nhận tiêm chủng cho những người trên 60 tuổi sẽ chỉ có giá trị trong 7 tháng, nên họ bắt buộc phải tiêm nhắc lại để duy trì hiệu quả của vaccine.
Tại Slovakia, Thủ tướng Eduard Heger tuyên bố sẽ "cấm cửa đối với những người chưa được tiêm chủng" từ hôm thứ Hai 22/11. Slovakia và Cộng hòa Séc đã cấm những người chưa được tiêm chủng vào các nhà hàng, quán rượu, trung tâm mua sắm, các sự kiện công cộng và cửa hàng, ngoại trừ những cửa hàng bán các mặt hàng thiết yếu.
Hans Kluge Trưởng bộ phận Châu Âu của WHO hồi đầu tháng cho biết, làn sóng Covid-19 thứ 4 trong khu vực là do tiêm chủng không đủ mặc dù đã có vaccine và nói rằng châu lục này có thể chứng kiến thêm nửa triệu ca tử vong vào tháng Hai năm tới.
“Chúng tôi phải thay đổi chiến thuật của mình, từ phản ứng với sự gia tăng của Covid-19 sang ngăn chặn chúng xảy ra ngay từ đầu", ông Kluge nhấn mạnh.
Các nước châu Âu đang đẩy mạnh tiêm chủng tăng cường để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Ảnh AP/Reuters/NY Times.
Thời kỳ đầu của đại dịch, các nhà khoa học cho rằng, tỷ lệ tiêm phòng đạt 70% đến 80% là có thể là đủ để một quần thể đạt được “khả năng miễn dịch bầy đàn”. Tuy nhiên, hiện nay bất chấp tỷ lệ tiêm chủng cao, virus vẫn ngày càng lan rộng, với các biến thể mới phát sinh và một số người được tiêm chủng vẫn bị mắc bệnh. Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng khả năng miễn dịch bầy đàn là điều không thể đạt được.
Bộ trưởng Y tế Đức, Jens Spahn trong một cuộc họp báo ở Berlin hôm 22/11 cảnh báo: “(Châu Âu) sẽ đạt được miễn dịch. Câu hỏi đặt ra là liệu điều đó xảy ra thông qua tiêm chủng hay lây nhiễm. Chúng tôi đã đề xuất rõ ràng con đường thông qua tiêm chủng”.
Cơ quan Dược phẩm Châu Âu dự kiến sẽ phê duyệt việc sử dụng vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi trong tuần này. Tuy nhiên, những liều vaccine đầu tiên cho trẻ em sẽ không được chuyển đến các nước Liên minh Châu Âu (EU) cho đến ngày 20/12, ông Spahn nói.
Đăng nhận xét