Ở thời điểm hiện tại, chồng của Salihi đã mất việc sau khi Taliban tiếp quản đất nước, cô phải xếp hàng cùng hàng trăm người Afghanistan khác để đăng ký nhận lương thực và tiền sinh hoạt từ Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP). "Chúng tôi đã mất tất cả. Mọi người đều cảm thấy lo lắng", Salihi nói sau khi đăng ký.
Bên cạnh cô là con gái lớn, Fatima, 17 tuổi, hiện đang phải nghỉ học. Cô bé không đủ khả năng để trả học phí tại một trường tư thục, trong khi Taliban cho đến nay vẫn chưa cho phép các cô gái vị thành niên học trường công. Salihi nói: "Tôi không muốn bất cứ điều gì cho bản thân, tôi chỉ muốn con mình được học hành đến nơi đến chốn".
Vài tháng sau khi nền kinh tế Afghanistan suy thoái, nhiều gia đình trung lưu ổn định như Salihi đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng, họ không biết sẽ chi trả như thế nào cho bữa ăn tiếp theo.
Trên thực tế, Liên Hợp Quốc đang lên tiếng báo động về một cuộc khủng hoảng, với 22% trong tổng dân số 38 triệu người đã cận kề nạn đói, 36% đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng - chủ yếu là do người dân không đủ tiền mua thực phẩm.
Nền kinh tế vốn đã gặp khó khăn dưới thời chính phủ trước đây được Mỹ hậu thuẫn giờ trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết, đại dịch Covid-19 và tình trạng hạn hán nghiêm trọng làm giá lương thực tăng phi mã.
Vào năm 2020, gần một nửa dân số Afghanistan sống trong cảnh nghèo đói. Việc thế giới ngừng viện trợ cho Afghanistan sau ngày Taliban kiểm soát đất nước (15/8/2021) đã giáng một đòn mạnh vào tầng lớp trung lưu của nước này. Nguồn tài trợ quốc tế trước đây chi trả cho phần lớn ngân sách chính phủ và nếu không có nó, Taliban sẽ không thể trả lương hoặc cung cấp các dịch vụ công.
Cộng đồng quốc tế không công nhận sự cai trị của Taliban, đồng thời yêu cầu nhóm này thành lập một chính phủ khách quan hơn và tôn trọng nhân quyền. Không có viện trợ quốc tế, người dân không có việc làm. Các ngân hàng của quốc gia này bị cắt khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế, điều này càng khiến đất nước rơi vào cảnh khó khăn. Nền kinh tế của đất nước ước tính đã giảm 40% chỉ trong ba tháng.
Số lượng trẻ em suy dinh dưỡng ngày càng tăng. Thậm chí, nhiều gia đình phải tìm mọi cách, kể cả bán con của mình, để trang trải chi phí thức ăn, tiền thuê nhà và chi phí y tế.
Chồng của Salihi từng kiếm được khoảng 24.000 Afghani Afghanistan (264 USD) mỗi tháng khi làm việc trong bộ phận hậu cần tại văn phòng của Ngân hàng Thế giới ở Kabul. Nhưng sau khi Taliban nắm quyền, Ngân hàng Thế giới đã tạm dừng các dự án của mình. Kể từ đó, anh không được đi làm và không nhận được một xu trợ cấp nào nữa.
Bây giờ Salihi là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình. Một trong những người hàng xóm của cô có cơ sở kinh doanh bán các loại hạt, họ cho cô những túi vỏ hạt để cô bán lại cho những người mua làm chất đốt.
Trong khi đó, chồng cô dành cả ngày để đi tìm việc làm. "Tất cả những gì anh ấy có thể làm là đi loanh quanh trên phố", cô nói.
Mỹ và các nhà tài trợ quốc tế khác đang chuyển tiền đến Afghanistan để viện trợ nhân đạo thông qua Liên Hợp Quốc. Mặc dù vậy, các cơ quan này muốn đảm bảo tiền không đi vào kho bạc của chính phủ Taliban. Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đang làm việc để trực tiếp trả lương cho các bác sĩ và y tá trên khắp đất nước nhằm giữ cho hệ thống y tế không sụp đổ. Trong khi đó, WFP đang cung cấp viện trợ tiền mặt và thực phẩm trực tiếp cho các gia đình, cố gắng giữ cho họ sống sót.
WFP đã phải tăng cường chương trình của mình một cách đáng kể. Vào năm 2020, tổ chức đã cung cấp viện trợ cho 9 triệu người, tăng so với năm trước đó. Đến cùng kỳ năm nay, con số đó đã là gần 14 triệu, tỷ lệ này tăng đặc biệt mạnh kể từ tháng 8. Trong năm tới, tổ chức đặt mục tiêu cung cấp viện trợ cho hơn 23 triệu người, đồng thời cho biết thêm rằng họ cần 220 triệu USD mỗi tháng để làm được điều đó.
Đăng nhận xét