Khoản phí 3.380 đến 8.000 đô mà người di cư phải trả cho những kẻ buôn người thông thường bao gồm tiền thuê lều ở ngắn hạn trên những đụn cát lộng gió ở miền bắc nước Pháp và thức ăn ở vùng Calais (thuộc Pháp) trước khi lên thuyền vượt biển. Thi thoảng, khoản này cũng bao gồm cả áo phao và phương tiện di chuyển khác.
Và những kẻ đứng ra thu tiền - lên tới 300.000 euro (432.000 đô) cho mỗi chiếc thuyền vượt eo biển Manche - thông thường chỉ là tay sai của những ông trùm buôn người.
Gần đây, các nhà chức trách Pháp đang nỗ lực để bắt được những kẻ đầu sỏ sau vụ chìm thuyền trên eo biển Manche khiến 27 người di cư thiệt mạng hôm thứ Tư 24/11.
Cảnh sát kỳ vọng sẽ bắt được những kẻ cầm đầu các mạng lưới buôn người sau nhiều thảm kịch chìm thuyền/xuồng thương tâm ở eo biển Manche khiến hàng trăm người di cư thiệt mạng. Ảnh AP.
Đây là thời kỳ hoàng kim cho những kẻ buôn người và tội phạm có tổ chức"
Mimi Vu, một chuyên gia về di cư cho biết.
Năm nay, tính đến ngày 17/11, 23.000 người di cư đã vượt biển thành công, theo Bộ Nội vụ Anh. Pháp đã chặn được khoảng 19.000 người.
Theo đó, tối thiểu, các tổ chức buôn người đã thu lợi bất chính 77,7 triệu đô từ các chuyến vượt biển nguy hiểm qua eo biển Manche dài 33km - tức 2,23 triệu đô cho mỗi km đường biển.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 và Brexit, “đây là thời kỳ hoàng kim cho những kẻ buôn người và tội phạm có tổ chức vì các quốc gia đang rối ren”, Mimi Vu, một chuyên gia về di cư thường xuyên lui tới các trại tạm bợ của người di cư ở miền bắc nước Pháp cho biết.
Các nhà chức trách Áo hôm thứ Bảy 27/11 vừa công bố bắt giữ 15 người bị nghi ngờ buôn người từ Syria, Lebanon và Ai Cập vào nước này trong thùng xe tải. Cảnh sát cho biết các nghi phạm đã vận chuyển hơn 700 người, thu lợi bất chính 2,8 triệu USD. Những người di cư phải trả 4.500 đô để được mạng lưới này đưa vào Đức.
Những kẻ tay sai trong mạng lưới này - đến từ Moldova, Ukraine và Uzbekistan - được tuyển dụng tại quê nhà thông qua các quảng cáo trên mạng xã hội với mức lương 2.250-3.380 đô/ tháng. Nếu bị bắt, họ sẽ bị thay thể bởi những tân binh khác.
Frontex, cơ quan biên giới châu Âu có biết, những kẻ đứng đầu các mạng lưới buôn người thường điều phối các hoạt động tội phạm từ xa, trong khi các đối tượng bị bắt chủ yếu là tội phạm cấp thấp liên quan đến công đoạn vận chuyển và hậu cần dễ lọt vào tầm ngắm của các cơ quan thực thi pháp luật.
Mặc dù chi phí "đắt cắt cổ" phải trả cho những kẻ buôn người để có 1 chỗ trên thuyền vượt eo biển Manche vào Anh, những người di cư đa phần chỉ được ngồi trên xuồng bơm hơi nhỏ và thậm chí cả thuyền kayak mua tại cửa hàng thể thao địa phương. Những phương tiện như vậy không đủ đảm bảo để đưa họ vượt biển an toàn.
Không ít những vụ chìm xuồng bơm hơi thương tâm đã xảy ra khiến hàng trăm, hàng nghìn người bỏ mạng giữa biển khơi. Tuy nhiên, những điều đó không khiến người di cư sợ hãi, không khiến họ chùn chân. Điều cản chân họ có chăng chỉ là chi phí. Người di cư thậm chí cho rằng, vượt biển còn an toàn hơn các tuyến đường khác.
Một người di cư từ Sudan, chỉ tiết lộ tên là Yasir đã cố đến Vương quốc Anh suốt 3 năm bằng nhiều cách khác nhau nhưng đến nay vẫn chưa thành công. Yasir không có đủ tiền trả cho những kẻ buôn người để được lên thuyền vượt eo biển Manche vào Anh. Khoản phí anh phải trả là 1.350 đô.
Khi được đề cập đến những rủi ro khi vượt biển, Yasir chỉ lắc đầu và cương quyết nói: "Tôi không có tiền. Nếu có tiền, tôi sẽ lên thuyền".
Theo Yasir, các phương pháp vượt biên khác, chẳng hạn như trốn trên một chiếc xe tải, cũng rất nguy hiểm nhưng tỉ lệ thành công thấp hơn nhiều so với đi thuyền vượt biển.
“Anh có thể bị gãy chân. Anh cũng có thể chết", Yasir nói thêm.
Ludovic Hochart, một cảnh sát có trụ sở tại Calais thuộc Liên minh cho biết: “Nếu họ (người di cư) đã đến được Calais, thì họ phải đến được nước Anh. Và những người duy nhất có thể đưa họ vượt biển là những mạng lưới buôn người này".
“Động lực để đến được Anh mạnh mẽ hơn những nguy hiểm đang chờ đợi phía trước", ông Hochart nhấn mạnh thêm.
Nấm mộ của người người di cư xấu số bỏ mạng trên biển khi chưa kịp đặt chân lên Vương quốc Anh. Ảnh AP.
Đăng nhận xét