Mata Hari là nghệ danh của Margarethe Zelle, một vũ công nổi tiếng khắp châu Âu sinh năm 1876 tại thành phố Leeuwarden (Hà Lan) - người sau này cũng sẽ trở thành một gián điệp hai mang lừng danh của thế kỷ 20 và được mệnh danh là nữ gián điệp đẹp nhất mọi thời đại.
Từ bé, Mata Hari đã xinh đẹp đến mức các bạn học đều ngưỡng mộ cô, đặc biệt là các bạn trai. Tuy nhiên, Mata Hari lại có một gia đình không êm ấm. Bố cô bỏ rơi gia đình để chạy theo một người đàn bà khác. Vài năm sau, mẹ đẻ của cô là Antje Zelle cũng qua đời, bỏ lại con gái nhỏ.
Cái chết của mẹ khiến Mata Hari không còn chỗ dựa. Năm 14 tuổi, cô bé được người thân gửi tới một ngôi trường nội trú nhưng chỉ 2 năm sau, Mata Hari bị đuổi khỏi trường vì khiến vị hiệu trưởng đã có gia đình lên giường với mình.
Thời gian này, Mata chuyển tới thành phố The Hague và tại đây, cô thiếu nữ trẻ tuổi và xinh đẹp quen biết với Đại úy Rudolf MacLeod và đính hôn với ông này chỉ 6 ngày sau khi đôi bên gặp nhau vào tháng 7/1895. Lúc này Mata mới 18 tuổi.
“Tôi muốn được sống ung dung tự tại, như một con bướm bay dưới ánh dương”, Mata chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn sau này. Vậy là cô và vị đại úy kia đính hôn chỉ 6 ngày sau khi đôi bên gặp nhau vào tháng 7.1895, khi ấy cô mới 18 tuổi.
Nhưng mối duyên chớp nhoáng đã nhanh chóng tan vỡ vì MacLeod không có tiền, thậm chí đang ngập trong nợ nần và còn rất lăng nhăng cũng như bị bệnh giang mai. Năm 1902, Mata ly hôn với MacLeod.
Sau biến cố hôn nhân, Mata quyết định trở thành một vũ nữ múa bụng và lấy nghệ danh là Mata Hari có nghĩa là Mặt trời. Mata ra mắt ở Paris và nhanh chóng trở nên nổi tiếng khắp châu Âu. Nhan sắc xinh đẹp lộng lẫy cộng với những điệu múa khêu gợi, mê hồn đã khiến Mata Hari được hâm mộ cuồng nhiệt và trở thành người đàn bà được săn đón bậc nhất ở Paris. Thời đó, Mata Hari luôn được bắt gặp bên những người đàn ông giàu có và quyền lực nhất.
Xinh đẹp lộng lẫy, Mata Hari luôn được săn đón bởi những người đàn ông giàu có và quyền lực nhất châu Âu.
Tuy nhiên, danh vọng đưa Mata Hari lên đỉnh rồi cũng dìm nàng xuống đáy. Quen lối sống "tiêu tiền như nước" nên khi sắc vóc phai tàn và những điệu múa dần hết hấp dẫn thì Mata Hari bắt đầu lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Đó là khi Mata Hari bị cho là chuyển sang làm gián điệp để kiếm tiền. Mata Hari đã có cuộc gặp gỡ với Karl Kroemer, lãnh sự danh dự của Đức tại Amsterdam. Kroemer đề nghị trả cho cô 20.000 franc, tương đương với 61.000 USD hiện nay để cô do thám các thông tin quan trọng cho nước Đức. Mata Hari đã đồng ý nhận khoản tiền, coi đó như sự đền bù cho số áo lông, nữ trang và tiền bạc mà cô bị người Đức tịch thu khi chiến tranh thế giới nổ ra.
Kể từ đó, Mata Hari được cho là đã quyến rũ các sĩ quan Đồng minh, moi tin tức tình báo từ họ trên giường ngủ rồi chuyển cho người Đức, dẫn đến cái chết của hàng ngàn binh lính.
Nhưng Mata Hari cũng bị cho là một gián điệp hai mang, làm việc cho cả Pháp và Đức nhưng cuối cùng trở thành vật hy sinh trong một âm mưu chính trị.
Nhà sử học Mary Craig, người đã nghiên cứu các tài liệu lưu trữ về Mata Hari cho biết, cơ quan tình báo MI5 của Anh đã bí mật thu thập bằng chứng để vạch trần thân phận điệp viên hai mang của nàng vũ công xinh đẹp.
Theo đó, các quan chức Vương quốc Anh lần đầu tiên dấy lên nghi ngờ Mata do cô đưa ra những lời khai mâu thuẫn khi bị MI5 thẩm vấn sau khi đến vùng Folkestone, hạt Kent của Anh vào năm 1915 bằng tàu thủy.
Mata đã bị khám xét nhưng không bị buộc tội. Theo một bài báo trên tờ Time thì Mata đã nằm trong tầm ngắm của cảnh sát và quân đội. Họ đã lưu ý về cô như sau: “Cô ta nói được tiếng Pháp, Anh, Italy, Hà Lan và có thể là tiếng Đức nữa. Cô ta có diện mạo xinh đẹp và táo bạo. Ăn mặc đẹp và hợp thời trang, không gây nghi vấn quá mức, nhưng các hành động tiếp theo của cô ta cần phải bị theo dõi".
Quá quen với việc thường xuyên được đàn ông để ý nên Mata không hề nhận ra việc mình bị theo dõi.
Các báo cáo do đặc vụ người Anh Richard Tinsley gửi đến London năm 1915 cho thấy Mata đang gặp khó khăn về tài chính và đã nhận tiền từ đại sứ quán Đức.
Cô bị nghi ngờ là "đã đến Pháp thực hiện một nhiệm vụ quan trọng cho người Đức" và đã nhận được tiền từ người Đức.
Sáu ngày sau, Anh thông báo với Pháp rằng nữ vũ công sẽ bị bắt nếu cô đến Anh. Kể từ đó, Anh và Pháp liên tục theo dõi Mata ở Paris.
Georges Ladoux, lãnh đạo đơn vị phản gián Deuxième Bureau mới được Bộ Chiến tranh Pháp thành lập, đã ra lệnh cho các nhân viên dưới quyền theo dõi Mata Hari, bất kể cô đang đi đâu, cho dù đó là một chuyến đi tới nhà hàng, công viên, quán trà, cửa hàng quần áo hay quán rượu đêm.
"Mặc dù người Anh thông báo với người Pháp rằng một công dân Hà Lan sẽ bị bắt nếu đặt chân đến Anh, nhưng thực tế đây là cách hiệu quả nhất mà họ có thể làm để cảnh báo người Pháp về điều họ nghi ngờ liên quan đến Mata khi thiếu các bằng chứng cứng rắn chống lại cô vào thời điểm đó", nhà sử học Mary Craig nói.
Hari cuối cùng bị Pháp bắt vì tội làm gián điệp vào năm 1917 rồi bị đưa ra xét xử và bị kết tội tiết lộ chi tiết về vũ khí mới của quân Đồng minh cho Đức: Những chiếc xe tăng.
Ngày nay, nhiều nhà sử học cho rằng Mary Craig đã bị bắt giết oan và cô chỉ là một "con tốt" trong một ván bài chính trị của người Pháp.
Theo đó, năm 1916, tình hình trên chiến trường đang khá tồi tệ với Pháp. Người Pháp và Đức đã giằng co nhau suốt nhiều tháng trong 2 cuộc chiến dài nhất và đẫm máu nhất trong Thế chiến thứ nhất, trận Verdun và Somme. Bùn lầy, tình trạng vệ sinh kém, bệnh tật và khí độc đã khiến hàng trăm nghìn binh lính chết hoặc chịu thương tật vĩnh viễn.
Lính Pháp rệu rã tinh thần tới mức một số không chịu tiếp tục chiến đấu. Vì thế, các lãnh đạo quân sự và tình báo của Pháp cảm thấy rằng nếu tóm được vài gián điệp Đức thì có thể nâng cao sĩ khí, thay đổi tình hình trên chiến trường. Và họ nghĩ ngay tới nữ vũ công người Hà Lan Mata Hari.
Mặc dù mọi cáo buộc và bằng chứng nhằm vào Mata Hari đều rất mơ hồ, nữ vũ công vẫn bị kết tội làm gián điệp 2 mang cho cả Pháp và Đức và cuối cùng bị xử bắn.
Đăng nhận xét