Giống như hàng triệu người Ấn Độ đang cố gắng kiếm sống qua ngày, người đàn ông 84 tuổi này nói rằng ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ra ngoài, hít thở bầu không khí dày đặc sương khói ở thủ đô Ấn Độ. "Tôi đến đây và ngồi ăn xin. Đôi khi, người ta cho tôi thức ăn", Singh nói, giọng ông căng thẳng bởi tiếng ồn từ chiếc xe ô tô bốc khói cách đó chỉ vài mét.
Delhi nằm trong số các thành phố ô nhiễm nhất thế giới và ô nhiễm không khí tại đây đã đạt mức "nguy hiểm" vào đầu tháng 11, theo Chỉ số Chất lượng Không khí Quốc gia (AQI) của Ấn Độ. Mặc dù vậy, nhiều cư dân Delhi đã quá quen với không khí ô nhiễm đến nỗi nó trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày, họ hầu như không nhận thấy điều đó. Trong khi đó, người khác nói rằng nó làm cho họ bị bệnh.
Ngạt khói
Một sĩ quan cảnh sát điều khiển giao thông tại một trong những nút giao đông đúc của Delhi cho biết mức độ ô nhiễm đã trở nên "không thể chịu nổi" trong mùa đông này. "Tôi phải bỏ khẩu trang để thổi còi dừng xe cộ, nhưng điều đó thật kinh khủng", sĩ quan giấu tên 48 tuổi nói.
Khói thải tỏa ra từ các hàng xe xung quanh – người đàn ông nói rằng anh ấy cảm thấy rất khó thở. "Mắt tôi đau rát. Tôi cảm thấy khó thở quá! Thật không dễ dàng gì", anh nói.
Trong khi đó, nhân viên xã hội Neelam Joshi, 39 tuổi, cho biết cô cảm thấy ô nhiễm mỗi khi bước ra khỏi nhà để bắt tàu đi làm.
"Khi bạn rời khỏi nhà vào buổi sáng, đó là điều đầu tiên đập vào mắt bạn", Joshi nói. Vào cuối ngày, cô nói rằng cơ thể của mình dường như đã quen với điều đó, nhưng ngày hôm sau, mọi thứ lại tái diễn.
Cô thở bài buồn bã: "Trong sáu năm qua tôi sống ở Delhi, tình trạng ô nhiễm chưa bao giờ giảm. Nó tăng lên hàng năm. Mỗi năm lại một kỷ lục mới, và trong các lễ hội, nó luôn trở nên tồi tệ hơn".
Amanpreet Kaur, 28 tuổi, một tiếp viên hàng không đến từ khu vực Rohini của Delhi, vừa cập bến sau chuyến bay từ Mỹ, cô bị choáng váng trước sự khác biệt về chất lượng không khí. "Khi tôi hạ cánh trở lại Ấn Độ sau chuyến bay từ Mỹ, tôi cảm thấy thật kinh khủng. Tôi liên tục ho", cô nói.
Kaur cho biết không khí tệ đến mức vào ban đêm, khi đèn đường và đèn pha ô tô rọi vào bầu trời, bạn có thấy rõ đám khói bẩn. "Khi mặt trời lặn, tất cả những gì bạn nhìn thấy chỉ là sương mù xung quanh", Kaur nói. "Rất nguy hiểm khi sống ở Delhi", cô nhấn mạnh.
Quyền được thở
Aditya Dubey, một nhà hoạt động môi trường 18 tuổi, đã dành hai năm qua để vận động phản ứng khẩn cấp chống lại tình trạng ô nhiễm ở Delhi.
Hàng năm, thành phố bị bao phủ bởi một đám mây khói âm u đến nghẹt thở, nhưng điều đó còn tồi tệ hơn vào mùa đông, khi nhiệt độ thấp hơn.
"Mùa đông đã trở thành một cực hình, mỗi ngày trôi qua đều như một hình phạt", Dubey nói. "Tôi có cảm giác nóng rát ở mắt và chúng bắt đầu chảy nước. Tôi cảm thấy khó thở".
Tháng trước, Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal đã cố gắng kiểm soát mức độ ô nhiễm bằng cách cấm đốt pháo trong lễ hội ánh sáng Diwali, mặc dù vậy lễ kỷ niệm hầu như vẫn diễn ra bình thường. Khói từ Diwali càng trầm trọng hơn do việc đốt chất thải cây trồng ở các vùng đất nông nghiệp xung quanh.
Đến ngày 5/11, hầu hết các địa điểm ở Delhi đều ghi nhận AQI trên 500 - mức cao nhất trong thang đo.
Tại thời điểm đó, Dubey đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao nhằm tìm kiếm sự bảo vệ cho "quyền được thở" của mình. Vào ngày 15/11, tòa án đã ra phán quyết có lợi cho anh và yêu cầu chính quyền trung ương phải cố gắng giải quyết vấn đề.
Ngay sau đó, các trường học bị đóng cửa, giao thông không thiết yếu bị đình chỉ, các dự án xây dựng bị tạm dừng, 6 trong số 11 nhà máy nhiệt điện than đã được lệnh đóng cửa cho đến cuối tháng 11.
Các dự án xây dựng tiếp tục hoạt động vào thứ Hai (8/11), sau khi Delhi ghi nhận sự cải thiện nhẹ về chất lượng không khí.
Nhưng đối với nhiều người, thiệt hại đã là quá nặng nề.
Kẻ giết người thầm lặng
Delhi không phải là thành phố Ấn Độ duy nhất bị khói bụi làm cho nghẹt thở. Năm ngoái, 9 trong số 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới là ở Ấn Độ, theo mạng lưới giám sát IQAir.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí ước tính khiến khoảng 7 triệu người tử vong sớm mỗi năm trên toàn cầu, phần lớn là do gia tăng tỷ lệ tử vong bởi các bệnh tim mạch, ung thư và nhiễm trùng đường hô hấp.
Theo một nghiên cứu gần đây của Viện Chính sách Năng lượng tại Đại học Chicago (EPIC), không khí ô nhiễm có thể làm giảm tuổi thọ của hàng trăm triệu người Ấn Độ tới 9 năm.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng 1,3 tỷ cư dân của Ấn Độ đang phải chịu mức độ ô nhiễm trung bình hàng năm vượt quá quy định của WHO.
Vào năm 2019, chính quyền trung ương nước này đã công bố một chiến dịch không khí sạch quốc gia, với mục tiêu giảm tới 30% ô nhiễm dạng hạt vào năm 2024. Các kế hoạch cụ thể đã được lập cho từng thành phố. Ở Delhi, những kế hoạch đó bao gồm các biện pháp để giảm lượng giao thông, giảm đốt cháy và bụi đường, đồng thời khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch.
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, vấn đề ô nhiễm của Ấn Độ ngày càng trở nên tồi tệ, một phần do nước này phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá. Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 gần đây ở Glasgow, Ấn Độ là một trong số các quốc gia ủng hộ việc sửa đổi thỏa thuận kéo dài 11 giờ để giảm dần than đá thay vì loại bỏ nó.
Ở Delhi, không khí độc hại đang cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người mỗi năm, theo phân tích dữ liệu IQAir của Greenpeace. Nhưng bất chấp chất lượng không khí ngày càng tồi tệ, một số người dân ở Delhi đã quá quen với điều đó và họ dường như không nhận thấy tác hại của nó.
Omprakash Mali, một người làm vườn 50 tuổi, cho biết ô nhiễm không khí không ảnh hưởng đến ông cũng như công việc của ông. "Chúng tôi đã quen rồi, tôi không cảm thấy gì cả", ông nói. "Tôi nghĩ ưu tiên hàng đầu của chính phủ vẫn nên là Covid-19. Ô nhiễm thì năm nào chả xảy ra".
Trong khi đó, Shesh Babu, 18 tuổi, một lao động chân tay, cho biết anh "không thực sự quan tâm" đến mà sương khói dày đặc ở Delhi. Ưu tiên của anh ấy là kiếm tiền.
Nhà hoạt động Dubey cho biết ô nhiễm không khí là một vấn đề thực sự nghiêm trọng. Anh nói: "Ô nhiễm không khí là kẻ giết người thầm lặng. Nó đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn do sự thiếu ý thức. Mọi người không nhận ra mức độ nghiêm trọng của nó".
Đăng nhận xét