Theo TRT World, khi Taliban tiếp quản Afghanistan vào ngày 15/8, các tổ chức nhân đạo phương Tây đã rút viện trợ, khiến Afghanistan ở bờ vực suy đổ kinh tế và nạn đói trên toàn quốc.
Mỹ cũng đóng băng gần 9,5 tỷ USD tài sản thuộc về ngân hàng trung ương Afghanistan và ngừng vận chuyển tiền mặt cho quốc gia này, khiến hệ thống tài chính ở đây sụp đổ trong vòng vài tháng.
Các nhà lãnh đạo Taliban đã hứa hẹn về hòa bình, trật tự và ân xá ở Afghanistan và đảm bảo rằng phụ nữ lẫn trẻ em gái sẽ được trao một số quyền nhất định. Nhưng đến nay, sau 100 ngày Taliban cầm quyền, đây là 5 vấn đề lớn nhức nhối đang kìm hãm Afghanistan mà chưa được Taliban giải quyết.
Sự sụp đổ của Y tế : Hàng nghìn nhân viên y tế Afghanistan đã không được trả lương trong 6 tháng và các bệnh viện, phòng khám đã cạn thuốc cũng như thiết bị để điều trị cho bệnh nhân sau khi nước này thiếu các nguồn hỗ trợ của nước ngoài.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vào tháng 9, chỉ 17% trong số hơn 2.300 cơ sở y tế Afghanistan được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ trước đây còn đang hoạt động đầy đủ, 2/3 số đó đã hết thuốc thiết yếu.
Nhiều người Afghanistan thậm chí không biết về đại dịch Covid-19.
Tình hình an ninh: Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS-K đã phát động hàng loạt cuộc tấn công đẫm máu nhằm làm suy yếu Taliban ở Afghanistan. Nhóm đã thực hiện một loạt vụ đánh bom liều chết, bao gồm cả tại sân bay Kabul và tại 2 nhà thờ Hồi giáo Shia, khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Theo trang tin tức địa phương TOLO News của Afghanistan, 7 sự cố an ninh lớn đã xảy ra tại nước này khiến 630 người chết và bị thương kể từ khi Taliban kiểm soát Afghanistan. Các nhà phân tích cho rằng nhóm vũ trang này đang cố gắng ngăn cản Taliban cai trị đất nước.
Sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với Taliban: Taliban đã tìm kiếm sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với chính phủ mới do Mawlawi Hebatullah Akhundzada, lãnh đạo tối cao của Taliban lãnh đạo kể từ khi họ tiếp quản Afghanistan.
Nhưng vào tháng 9, Liên Hợp Quốc đã từ chối yêu cầu của Taliban để đặc phái viên của họ là Suhail Shaheen phát biểu trước Đại hội đồng.
Sự công nhận của cộng đồng quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng đối với Afghanistan khi nước này đang tiếp tục đối mặt với sự suy sụp kinh tế và khủng hoảng nhân đạo.
Giáo dục: Khi Taliban tiếp quản, các trường học cho cả nam và nữ ở Afghanistan đều đóng cửa. Vào tháng 9, Taliban cho phép các nam sinh từ lớp 6-12 đến trường và giáo viên nam dạy.
Tuy nhiên, trẻ em gái không được đến trường vì Taliban cho rằng một “môi trường an toàn” cần phải được thiết lập trước khi các em gái có thể quay trở lại trường. Điều này đã gây ra những chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế về việc hạn chế giáo dục cho trẻ em gái.
Tuần trước, chính phủ do Taliban cầm quyền cho biết 75% nữ sinh đã đi học lại trên khắp đất nước.
Đóng cửa báo chí, truyền thông: Tổng cộng 257 cơ quan báo chí, truyền thông đã bị đóng cửa, bao gồm cả báo in, đài phát thanh và đài truyền hình, theo một nhóm vận động truyền thông ở Afghanistan.
Hơn 70% nhân viên truyền thông Afghanistan hiện đã mất việc làm hoặc rời khỏi đất nước sau khi Kabul rơi vào tay Taliban. Taliban mới đây cũng cấm tất cả các bộ phim truyền hình, các vở opera và chương trình giải trí có phụ nữ khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.
Đăng nhận xét