Nữ Thủ tướng đầu tiên của Thụy Điển Magdalena Andersson hôm 24/11 đã từ chức chỉ 7 giờ sau khi bà được bầu vào vị trí này do dự luật ngân sách của bà không được quốc hội nước này thông qua.
Bà Andersson đã quyết định từ chức ngày 24/11 khi bà chưa yết kiến Quốc vương Carl XVI Gustaf và hoàn tất thủ tục nhậm chức và có lẽ trở thành nguyên thủ quốc gia "tại vị" ngắn nhất lịch sử thế giới.
"Tôi đã nói với chủ tịch quốc hội rằng tôi muốn từ chức", bà Andersson chia sẻ với các phóng viên.
Dự luật ngân sách của bà Andersson không được Quốc hội thông qua khiến liên minh của bà với Đảng Xanh sụp đổ vì đảng này từ chối điều hành chính phủ bằng ngân sách do phe đối lập đệ trình.
Quốc hội Thủy Điển đã bỏ phiếu thông qua ngân sách do phe đối lập, bao gồm cả phe cực hữu chống nhập cư đệ trình. Đảng Xanh - đối tác liên minh của nữ Thủ tướng Andersson cho biết, họ rời chính phủ vì không thể chấp nhận một ngân sách "lần đầu tiên được đệ trình bởi phe cực hữu".
Mặc dù từ chức, bà Andersson cho biết đã thông báo với chủ tịch quốc hội về hy vọng được tái bổ nhiệm làm thủ tướng với tư cách là người đứng đầu một "chính phủ chỉ do đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền", theo Reuters.
Quốc hội Thụy Điển sẽ bỏ phiếu để quyết định liệu bà Magdalena Andersson có tái đắc cử thủ tướng, đánh dấu lần bầu thứ 2 trong chưa đầy một tuần vào ngày 29/11 tới.
Trước bà Andersson, một số nguyên thủ quốc gia trên thế giới cũng có thời gian tại vị ngắn bất ngờ, chỉ nửa ngày hoặc vài ngày.
Người đầu tiên trong danh sách này là Siaka Stevens - Thủ tướng Sierra Leone (Tây Phi). Ông Stevens trở thành Thủ tướng ngày 21/3/1967 nhưng cùng ngày hôm đó, ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự do một trong những đối thủ của ông lãnh đạo. Tuy nhiên, ông Stevens đã trở lại Sierra Leone để làm Thủ tướng vào năm 1968 và trở thành Thủ tướng được bầu đầu tiên của nước cộng hòa mới vào năm 1971. Ông Stevens đã giữ chức Thủ tướng cho đến năm 1985.
Trong khi đó, ông Carlos Luz đã làm Tổng thống Brazil chỉ 3 ngày trong tháng 11/1955 - cho đến khi ông bị một trong các tướng lĩnh của mình phế truất. Carlos Luz được xem là Tổng thống tại vị ngắn nhất trong lịch sử Brazil dù một số người tiền nhiệm của ông về mặt kỹ thuật đã giữ chức danh này song chưa bao giờ nhậm chức. Ông Rodrigues Alves đắc cử Tổng thống Brazil năm 1918 nhưng qua đời trong đại dịch cúm toàn cầu ngay trước khi nhậm chức, còn ông Julio Prestes đắc cử năm 1930 nhưng bị lật đổ ngay trước khi nhậm chức.
Khi Adolf Hitler tự sát vào ngày 30/4/1945, Joseph Goebbels lên làm Thủ tướng Đức nhưng giữ chức vụ thủ tướng chỉ 1 ngày. Theo đó, 1 ngày sau khi Goebbels thay thế Hitler, ông ta và vợ, Magda, đã đầu độc 6 người con của họ rồi tự sát.
William Henry Harrison - vị Tổng thống thứ 9 của Mỹ cũng có nhiệm kỳ ngắn đáng ngạc nhiên, chỉ 9 ngày. Ông Harrison tuyên thệ nhậm chức vào ngày 4/3/1841 nhưng qua đời vì bệnh viêm phổi vào ngày 4/4. Tuy nhiên, một số học giả cho rằng thực tế, Harrison qua đời là do sốt thương hàn.
Bà Ivy Matsepe-Casaburri đã làm nên lịch sử với tư cách là nữ Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Nam Phi vào năm 2005, nhưng chỉ giữ chức vụ này trong 3 ngày. Năm 2008, bà trở lại lãnh đạo Nam Phi nhưng chỉ trong khoảng 14 giờ trong khoảng thời gian lúc ông Thabo Mbeki từ chức và ông Kgalema Motlanthe lên thay.
Nhật Bản cũng có nhiều Thủ tướng có thời gian tại nhiệm ngắn khi từ chức dù chưa kết thúc nhiệm kỳ. Ngày 3/9 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã công bố quyết định từ chức chỉ 1 năm sau khi ông được bầu vào chức vụ này tại cuộc họp khẩn cấp với sự tham dự của các thành viên cấp cao trong Đảng Dân chủ tự do (LDP).
Thủ tướng Nhật Bản Ishibashi Tanzan - người chủ giữ chức vụ này từ tháng 12/1956 đến 2/1957 - đã từ chức vì mắc bệnh nhồi máu não. Tuy nhiên, thông báo chính thức lúc đó là “Ông bị cảm lạnh và bị viêm phổi, đồng thời được phát hiện có dấu hiệu nhồi máu não”. Sau đó, tình trạng của ông hồi phục và tiếp tục sống đến hết đời.
Đăng nhận xét